Chị Phạm Thị Giang, tiểu thương chuyên bán đặc sản cáy mật đỏ - đặc sản vùng Xuân Thủy, Nam Định, cho biết, loại cáy này sống hoàn toàn tự nhiên ở vùng ngập mặn. Vì thế, loại cáy này rất chắc, thơm ngon nhiều riêu, nhiều gạch.
Hàng năm, cứ tầm tháng 4 và tháng 9 âm lịch, những người dân quê chị lại đi dọc vùng ngập mặn để săn bắt cáy. Khi nước xuống, người nhà chị soi được cả chục cân cáy biển.
“Cáy biển thuộc họ cua, có nhiều loại nâu và đỏ, song nổi tiếng thơm ngon nhất phải kể tới cáy mật gọng đỏ. Cáy mật đỏ có lông nhỏ nhưng càng khá to, chân nhỏ hơn nhưng có nhiều lông, mang của chúng nhiều vân.
Cáy mật còng đỏ rất hung dữ, vì thế bắt cáy cũng không hề dễ. Chúng rất nhanh, hễ có động là chạy vào hang. Vì thế, người bắt cáy phải thật khéo léo, nhanh tay mới bắt được. Hơn nữa, phải dùng đồ bảo hộ như găng tay, ủng tránh bị cắp xước da”, chị Giang kể.
Sau khi bắt, cáy gọng đỏ được cho vào chậu to, che lá sú để cáy tươi ngon. Đang là tháng 9 âm lịch, đúng mùa săn bắt nên cáy mật đỏ càng to. Trung bình 1kg cáy được khoảng 35-40 con. Mỗi bữa chỉ cần nấu khoảng 5 con là đã được bát canh ngọt, nhiều riêu cho cả nhà thưởng thức.
Chị Giang chia sẻ, cáy sau khi bắt, bỏ phần yếm cho hết hôi rồi ngâm trong nước sạch 30-40 phút. Sau đó, tách phần mai để riêng, phần thân cùng càng cho vào giã nhỏ hoặc xay đến nhuyễn. Khi giã, cho chút muối để thịt cáy kết lại khi nấu. Lúc này, cho thêm nước khuấy đều rồi lọc bỏ phần bã. Trước khi, nấu dùng tăm khêu hết phần gạch trong mai cáy bỏ vào để nồi canh thêm thơm. Nói chung, quy trình làm cáy giống hệt với cua đồng.
Cáy mật đỏ hợp nhất là nấu với rau đay mồng tơi, ăn sẽ rất ngọt. Chỉ cần khi đun, chú ý nhỏ lửa, thêm gia vị vừa ăn là được.
“Bữa cơm hàng ngày chỉ cần bát canh cáy nấu rau mùng tơi, rau đay với bát cà pháo cùng đĩa cá kho, cá rán là không ai chê được. Đây là món ăn dân dã khá phổ biến ở Nam Định”, chị Giang kể.
Hiện 1kg cáy mật đỏ có giá 150.000 đồng/kg. Vì chuyển cáy từ Nam Định về Hà Nội bán nên khách muốn ăn đặt hàng, chị sẽ gom dơn rồi trả hàng cho khách vào thứ 6 hàng tuần.
“Cáy mình bán là cáy tươi cấp đông nguyên con hoặc xé ra. Khách mua cáy sống cũng có, nhưng giá 170.000 đồng/kg, đắt hơn do công vận chuyển và trừ con bị chết, hao hụt”, chị nói.
Vì ăn cáy mật đỏ nhiều thịt, nhiều riêu và gạch, không tanh như cua đồng nên rất nhiều bà nội trợ thành phố đặt mua. Mỗi tuần, nhà chị Giang bán được khoảng 1 tạ cáy.
Là người quê ở Thái Bình nhưng sinh sống tại Hà Nội nhiều năm nay, trong tủ lạnh nhà bà Lê Thanh Hải ở Đống Đa, Hà Nội lúc nào cũng có sẵn 1-2kg cáy mật đỏ say xẵn.
Bà nội trợ này cho hay, trước đây khi còn nhỏ, bà hay được ăn canh cáy và mắm cáy. Nhớ vị quê nên cứ khoảng 1 tháng, bà lại nhờ người quen đặt mua 2kg cáy mật đỏ về nấu canh ăn. Thậm chí, có thời điểm bà nhờ mua cả 5kg đến 10kg về tự giã làm mắm.
“Nhà tôi cả nhà từ trẻ đến già đều ăn quen canh cáy, mắm cáy nên trong nhà không thể thiếu được. Với canh cáy thì nấu rau mùng tơi, rau đay hoặc nấu riêu đều thơm ngon. Có lúc tôi còn rang muối. Cầu kỳ hơn, năm nào tôi cũng làm 1 vại mắm cáy”, bà Hải tâm sự.
Vì sinh ra và lớn lên tại Tiền Hải, Thái Bình nên bà biết làm cả 2 loại mắm cáy là mắm đặc và mắm trong. “Sau khi giã nhuyễn cáy cùng muối, dùng vải thô lọc lấy phần nước, cho vào chai lọ để phơi nắng phơi sương, một tháng là có thể dùng được.
Nếu làm mắm trong thì cáy được ướp với muối trong các chum sành, đem phơi trong khoảng 8 tháng đến khi ngấu thì chắt lấy phần nước cho vào chai lọ. Tiếp tục đợi đến khi váng muối trắng nổi lên, vớt bỏ phần muối này rồi mới đem sử dụng”, bà chia sẻ.
Thảo Nguyên
Loại cua 'quý tộc' từ Trung Quốc đang đổ về chợ Việt
Được ví như loại cua "quý tộc" của Trung Quốc, thời điểm này cua lông Thương Hải đang ồ ạt về chợ Việt với giá dao động từ 90.000-250.000 đồng/con tuỳ loại.