Mấy ngày nay, Cty CP Nông sản xuất khẩu Tân Hương, trụ sở tại huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) nhận được nhiều đơn đặt hàng mua cà rốt để xuất khẩu sang Hàn Quốc.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong chiều 28/2, đại diện Cty xác nhận dù nhận được các đơn hàng xuất khẩu cà rốt, nhưng Cty cũng không dám nhận nhiều, vì sợ không kịp có hàng chuyển đi, vi phạm hợp đồng. Nguyên nhân được xác định là do thiếu nhân công thu hoạch cà rốt do ảnh hưởng của COVID-19.
“Bình thường Cty chúng tôi có khoảng 60 nhân công, nhưng do ảnh hưởng của cách ly phòng chống dịch COVID-19, hiện tại chỉ có hơn chục người, không thể đảm bảo việc thu hoạch, đóng gói được”, vị đại diện Cty nói.
Hiện Cty chỉ nhận sơ chế và đóng gói khoảng 700 tấn cà rốt để kịp giao cho khách vận chuyển xuất khẩu đi Hàn Quốc vào ngày 3/3. Vị này cũng cho biết, hiện nay, thị trường cà rốt đã sôi động trở lại. Giá cà rốt có chiều hướng tăng lên khoảng 10% so với trước Tết. Việc thông đường ra cảng xuất khẩu đi nước ngoài cũng là một tín hiệu rất tốt.
“Đợt dịch ảnh hưởng khá nặng nề với chúng tôi. Cty còn hàng vài chục ha cà rốt chưa được thu hoạch. Không biết sau khi hết cách ly, nhân công có được đi làm trở lại hay không để chúng tôi phục hồi sản xuất”, vị này nói.
Được biết, mỗi năm, trung bình Cty CP Nông sản xuất khẩu Tân Hương thu mua, sơ chế và xuất khẩu khoảng 7.000 tấn cà rốt, chủ yếu ở các xã Đức Chính và Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng. Trong số đó, 30% sản lượng xuất khẩu đi Hàn Quốc.
Trong khi đó, việc tiêu thụ gà đồi ở Chí Linh cũng gặp nhiều khó khăn. Thành phố hiện có hơn 600 hộ chăn nuôi gà theo tiêu chuẩn VietGAP ở các xã, phường Hoàng Hoa Thám, Bắc An, Lê Lợi, Bến Tắm... Tổng đàn gà đến thời kỳ xuất bán tới tối 26/2 còn trên 600.000 con.
Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Hữu Cơ, một hộ chăn nuôi gà ở phường Hoàng Tiến (thành phố Chí Linh) cho biết, hiện nhà ông và các hộ chăn nuôi gà lân cận trong khu còn tồn khoảng 40 tấn gà đến kỳ xuất bán.
“Hiện nay việc tiêu thụ cũng túc tắc thôi, chứ không được nhiều”, ông Cơ nói đồng thời cho biết, những ngày vừa qua, chính quyền các nơi đã vận động các cơ quan, đoàn thể tiêu thụ được khá nhiều gà. Ông Cơ thông tin, so với thời điểm trước khi có dịch COVID-19, cứ 1.000 con gà, hộ chăn nuôi trung bình thiệt hại khoảng 25 – 30 triệu đồng.
Do ảnh hưởng của việc cách ly, nên việc tiêu thụ càng khó khăn. Thương lái không ép giá, nhưng người dân cũng tâm lý, bán được càng nhanh càng tốt, chấp nhận thiệt hại. “Có nhà bán được gà ở thời điểm vừa bùng phát dịch, gần 5.000 gà, tính ra lỗ gần 100 triệu đồng”, ông Cơ nói.
Việc ùn ứ tiêu thụ gà kéo theo phát sinh thêm nhiều chi phí. Những con gà chưa bán được tiếp tục phải chăm sóc, cho ăn, trong khi thức ăn khan hiếm, tăng giá. Ông Cơ cho biết, trung bình mỗi cân thức ăn chăn nuôi tăng thêm 2.000 đồng, thậm chí nhiều khi còn không mua được vì bị cách ly, hàng hóa ít vào được.
“Gà đồi Chí Linh khi chưa có dịch chủ yếu tiêu thụ ở Quảng Ninh, Hải Phòng. Nhưng có dịch là không tiêu thụ được. Ngay như nhà tôi ở giáp ranh với Quảng Ninh. Bên Quảng Ninh vẫn bán 50.000 đồng/kg, nhưng bên này chỉ bán được 40.000 đồng. Chúng tôi chỉ mong vài ngày nữa hết hạn cách ly, việc tiêu thụ gà trở lại bình thường để những hộ chăn nuôi có vốn để tái đàn”, ông Cơ nói.
Theo Trường Phong (Tiền Phong)