Động thái tăng thuế bất động sản của Singapore nhằm hạ nhiệt thị trường nhà ở đang rất "nóng" tại quốc đảo này.
Ngày càng nhiều người lo ngại xu hướng giới giàu có đổ về Singapore sẽ ảnh hưởng đến khả năng mua nhà của người dân địa phương cũng như khả năng cạnh tranh của Singapore.
Cụ thể, Chính phủ Singapore sẽ tăng thuế đối với những người mua ngôi nhà thứ hai và người nước ngoài mua bất động sản tư nhân. Đối với người nước ngoài mua nhà, thuế suất sẽ tăng gấp đôi từ 30% lên 60%.
Mức thuế mới có hiệu lực từ ngày 27/4, theo tuyên bố chung của Bộ Tài chính, Bộ Phát triển Quốc gia và Cơ quan Quản lý Singapore.
Theo Bloomberg, sau khi tăng gấp đôi mức thuế, Singapore trở thành nước đánh thuế bất động sản đối với người mua nước ngoài cao nhất thế giới.
Theo Savills Plc, với mức thuế bổ sung 60% mà người nước ngoài phải trả khi mua một căn nhà ở Singapore, thuế bất động sản cho người nước ngoài tại thành phố này đã vượt xa Hong Kong, London hay New York.
"Chúng tôi tin rằng điều này không chỉ kìm hãm hoạt động đầu tư vào Singapore, mà còn giúp London, Mỹ và các thị trường khác hưởng lợi", Bloomberg dẫn lời ông Mark Elliott - Trưởng bộ phận Kinh doanh nhà ở quốc tế tại Savills Hong Kong.
Để mua một căn nhà trị giá 5 triệu USD ở Singapore, một người mua nước ngoài sẽ phải trả tổng cộng 65% tiền thuế, tương đương 3,25 triệu USD. Trong khi đó, theo dữ liệu của Savills, tỷ lệ này ở New York và London là 4% và 15%.
Mức thuế tại Singapore cũng cao gấp đôi Hong Kong và Vancouver.
Theo Bloomberg Intelligence, Hong Kong có thể hưởng lợi từ sự thay đổi về chính sách của Singapore, nhất là trong việc thu hút các khách hàng từ Trung Quốc đại lục.
Hong Kong tính thuế bất động sản 30% đối với người mua nước ngoài. Nhưng sau khi định cư tại đây, các khách hàng có thể được hoàn lại hoàn toàn hoặc phần lớn tiền thuế. Đây là một trong những nỗ lực thu hút nhân tài của thành phố.
Thực tế, giới nhà giàu đã đổ về Singapore trong những năm qua. Nhưng việc tăng thuế bất động sản đối với người nước ngoài làm dấy lên lo ngại rằng xu hướng này có thể bị đảo ngược.
"Khi của cải tăng lên, các vị sẽ thấy nhiều gia đình chuyển tới một nơi như Singapore để quản lý tài sản của họ", Bloomberg dẫn lời ông Nirbhay Handa - Trưởng bộ phận Khách hàng tư nhân châu Á tại Henley & Partners.
Ông Handa cho biết lượng lớn doanh nhân gốc Ấn Độ quan tâm tới việc chuyển tới Singapore hoặc đưa tài sản tới đây, dù không nhiều bằng các gia đình giàu có Trung Quốc.
Tỷ phú Ấn Độ Mukesh Ambani đã mở một văn phòng gia đình tại đây vào năm ngoái. Cùng với đó là ông Serge Brin - đồng sáng lập Google, tỷ phú đầu tư Ray Dalio và doanh nhân James Dyson.
Ở đảo quốc sư tử, số văn phòng gia đình - chuyên quản lý tài sản cho giới nhà giàu - đã tăng từ 8 văn phòng hồi năm 2017 lên 221 văn phòng vào năm 2020. Tính đến cuối năm 2021, con số này đạt khoảng 700 văn phòng và vẫn tiếp tục gia tăng.
Không chỉ nhu cầu mua bất động sản gia tăng, mà thị trường bất động sản cho thuê cũng rất nóng bỏng. Singapore vượt New York và giành vị trí dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng của bất động sản cho thuê trong quý IV/2022, theo số liệu của Knight Frank.
Khi giới nhà giàu nước ngoài đổ về Singapore, giá nhà và chi phí thuê tăng cao đã gây áp lực lên người dân địa phương. Chính phủ nước này cũng đang cố gắng đảm bảo rằng người dân địa phương được trao cơ hội bình đẳng trong sự nghiệp.
PN (SHTT)