Liên tục giảm, thấp nhất 1 năm qua, tỷ phú ngân hàng bay hơi nghìn tỷ

19/04/2022 13:33:50

Nhiều tỷ phú ngành ngân hàng chứng kiến tài sản giảm khá nhiều và rớt nhanh trong các bảng xếp hạng khi giá cổ phiếu giảm sau sự kiện nhiều doanh nghiệp bất động sản bị điều thanh tra về hoạt động hút vốn.

Trong phiên giao dịch 18/4, cổ phiếu Techcombank (TCB) tiếp tục suy giảm xuống dưới ngưỡng 48.000 đồng/cp. Trong gần một năm qua, cổ phiếu này liên tục đi ngang và suy yếu, từ mức đỉnh khoảng 56.000 đồng/cp xuống 44.850 đồng/cp.

Mặc dù không giảm quá sâu nhưng sự xuống giá dần dần khiến tài sản của chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh cũng giảm khoảng 20% xuống còn 2,4 tỷ USD tính theo số liệu đến ngày hết ngày 18/4.

Với mức tài sản này, ông Hồ Hùng Anh rớt xuống vị trí thứ 4, sau tỷ phú Phạm Nhật Vượng (khoảng 6,4 tỷ USD), tỷ phú Bùi Thành Nhơn (3,5 tỷ USD), CEO VietJet Nguyễn Thị Phương Thảo (3 tỷ USD) và tỷ phú Trần Đình Long (2,9 tỷ USD).

Liên tục giảm, thấp nhất 1 năm qua, tỷ phú ngân hàng bay hơi nghìn tỷ
Tỷ phú Hồ Hùng Anh ghi nhận tài sản giảm 20% xuống còn 2,4 tỷ USD.

Trong thời gian gần đây, cổ phiếu Novaland (NVL) tăng mạnh, qua đó giúp ông Bùi Thành Nhơn trở thành người giàu thứ 2 trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo cũng ghi nhận tài sản tăng trở lại khi cổ phiếu VietJet hồi phục theo đà mở cửa của thị trường du lịch sau đại dịch Covid-19.

Cổ phiếu Ngân hàng Techcombank của ông Hồ Hùng Anh được kỳ vọng rất lớn sau nhiều năm tăng trưởng bứt phá và vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá mạnh. Tuy nhiên, nhóm ngân hàng gần đây chịu áp lực bán ra rất mạnh.

Với mức giảm mạnh, Techcombank bị VietinBank và VPBank vượt qua về giá trị vốn hóa thị trường.

Trong phiên giao dịch 18/4, đa số các cổ phiếu ngân hàng giảm, trong đó LienVietPostBank giảm sàn và nhiều mã giảm trên 5%. Vốn hóa toàn ngành giảm  khoảng 2,5 tỷ USD chỉ trong một phiên.

Trong tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022, Ngân hàng Techcombank (TCB) của tỷ phú Hồ Hùng Anh tiếp tục chính sách thắt lưng buộc bụng và dồn lực cho phát triển trong cả thập kỷ vừa qua.

Tính tới cuối 2021, tổng lợi nhuận tích lũy có thể phân phối của Techcombank lên tới hơn 40,1 nghìn tỷ đồng do không chia cổ tức bằng tiền trong 11 năm liên tiếp. TCB của tỷ phú số 1 dồn lực bứt phá trong thập kỷ quan trọng.

Liên tục giảm, thấp nhất 1 năm qua, tỷ phú ngân hàng bay hơi nghìn tỷ - 1
Techcombank tiếp tục chính sách thắt lưng buộc bụng để phát triển mạnh trong tương lai.

Nhìn chung, trong kế hoạch cho năm mới, hầu hết các ngân hàng đều đặt mục tiêu lợi nhuận 2022 tăng, vốn tăng theo tỷ lệ phát hành thêm cổ phiếu chi trả cổ tức, trong khi tiền mặt được giữ lại để đảm bảo sự an toàn về lâu dài và là nguồn lực để ngân hàng mở rộng đầu tư, tăng tín dụng.

Cổ phiếu SHB của đại gia Đỗ Quang Hiển gần đây cũng chịu áp lực giảm cho dù mới đây, theo dự báo của SSI Research, lợi nhuận quý I của SHB ước tính tăng 92% lên 3,2 nghìn tỷ đồng. SHB đặt mục tiêu tăng trưởng 87% lợi nhuận trong năm 2022.

Trong 5 tháng qua, cổ phiếu SHB đã giảm gần 24%, đẩy ông Hiển xuống vị trí 120 trong bảng xếp hạng những người giàu nhất Việt Nam với khối tài sản 1.360 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong top 20 người giàu nhất trên sàn chứng khoán, vẫn còn nhiều các ông chủ ngân hàng, bao gồm: ông Đỗ Anh Tuấn (KLB), Hồ Hùng Anh (TCB), Nguyễn Đăng Quang (TCB), Nguyễn Thị Phương Thảo (HDB), Nguyễn Đức Thụy (LPB), Ngô Chí Dũng (VPB), Hoàng Anh Minh (VPB).

Chờ thị trường hình thành đáy

Theo BSC, trong những phiên tới, trong trường hợp xấu, thị trường có khả năng tiếp tục giảm về ngưỡng quanh vùng 1.420 điểm.

Trong khi đó, Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội – SHS cho rằng, với trạng thái tâm lý thị trường như hiện tại, theo thống kê của SHS thị trường rất có thể sẽ sớm hình thành đáy ngắn hạn và hồi phục.

YSVN cho rằng, thị trường có thể sẽ hồi phục và VN-Index có thể sẽ biến động quanh mức 1.440 điểm trong phiên giao dịch kế tiếp. Đồng thời, nếu chỉ số VNMidcaps và VNSmallcaps duy trì được nhịp hồi trong phiên giao dịch kế tiếp thì rủi ro ngắn hạn có thể sẽ giảm dần và hai chỉ số này có thể sẽ còn kéo dài nhịp hồi phục trong những phiên tới. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý tiếp tục giảm vào vùng bi quan quá mức cho thấy thị trường có thể sớm xác lập vùng đáy ngắn hạn và VN-Index khó có thể xuyên thủng hoàn toàn vùng hỗ trợ 1.420 – 1.430 điểm hoặc đường trung bình 200 phiên.

Chốt phiên giao dịch 18/4, chỉ số VN-Index giảm 25,96 điểm xuống 1.432,6 điểm. HNX-Index giảm 13,6 điểm xuống 403,12 điểm. Upcom-Index giảm 2,15 điểm xuống 110,21 điểm. Thanh khoản đạt 29,7 nghìn tỷ đồng, trong đó có 26 nghìn tỷ đồng trên HOSE.

Theo V. Hà (VietNamNet)

 

Nổi bật