Lên sóng 'bún chả Obama', chi trăm tỷ quảng cáo, Bia Hà Nội vẫn thất thu

08/11/2017 17:18:04

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2017, Habeco đã chi tổng cộng hơn 327 tỷ đồng cho quảng cáo, tăng mạnh 60% so với cùng kỳ.

Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước Giải khát Hà Nội (Habeco, mã chứng khoán: BHN) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2017 đã được soát xét với các con số không mấy khả quan.

Kết quả kinh doanh quý III cho thấy, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Habeco đạt 2.977 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2016. Lợi nhuận sau thuế đạt 317 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lợi nhuận của sụt giảm được giải trình do hai nguyên nhân chủ yếu: sản lượng tiêu thụ của Habeco - công ty mẹ giảm so với cùng kỳ năm trước; Habeco ghi nhận mức tăng chi phí khác dự phòng phải trả tiền phạt có thể bị truy thu liên quan đến thuế tiêu thị đặc biệt tăng theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước giai đoạn từ 2012 - 2015 (tổng số tiền phạt dự tính là 181 tỷ đồng, trong đó 150 tỷ đã đưa vào chi phí năm 2016 và 31 tỷ đưa vào chi phí quý III/2017).

Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, Habeco đã mạnh tay hơn chi cho quảng cáo. Riêng quý III năm 2017, Habeco chi hơn 104 tỷ đồng cho quảng cáo, khuyến mại, hỗ trợ; tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2017, Habeco đã chi tổng cộng hơn 327 tỷ đồng cho quảng cáo, tăng mạnh 60% so với cùng kỳ.

Trong quý I và quý II/2017, Habeco cũng sẵn sàng chi số tiền lần lượt là 60 tỷ đồng và 141 tỷ đồng cho hoạt động quảng cáo.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2017, doanh thu thuần của Habeco giảm xuống còn 7.200 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế giảm 17% so với cùng kỳ năm 2016, đạt 613 tỷ đồng.

Tính đến ngày 30/9, tiền và các khoản tiền tương đương của Habeco đạt hơn 2.000 tỷ đồng. Nợ xấu đã vượt 90 tỷ đồng.

Hiện, Nhà nước nắm giữ 81,79% vốn tại Habeco. Carlsberg Breweries A/S sở hữu 17,34%, Công ty TNHH Thương mại Carlsberg Việt Nam sở hữu 0,16% và cổ đông khác nắm giữ 0,7%.

Được thành lập từ năm 1890 bởi người Pháp, Bia Hà Nội (Habeco) là một trong những thương hiệu bia lâu đời và phổ biến nhất với người tiêu dùng tại Việt Nam.

Trong những năm gần đây, bia Hà Nội đang gặp không ít khó khăn bởi sức ép cạnh tranh từ các đối thủ ngoại như Heineken, Sapporo, Budweiser…. hay từ chính đối thủ trong nước là bia Sài Gòn (Sabeco).

Thị phần của Habeco, theo báo cáo phân tích của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC), đã giảm liên tục trong 6 năm gần đây, từ mức gần 20% năm 2010 xuống còn 18%.

Ngay trên “sân nhà” là khu vực phía Bắc, nếu không cẩn thận bia Hà Nội sẽ đánh mất thị phần khi người tiêu dùng ngày càng ưa thích các dòng bia ngoại và bia Sài Gòn.

Năm 2016, Bia Hà Nội đã bất ngờ nhận được “món quà” từ cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama khi ông dùng bữa tối với bún chả và bia Hà Nội trong chuyến công du Việt Nam mới đây. Hình ảnh ông Obama ăn bún chả, nem và uống bia Hà Nội được lên truyền hình truyền hình nhiều nước và hàng trăm tờ báo nước ngoài.

Lên sóng 'bún chả Obama', chi trăm tỷ quảng cáo, Bia Hà Nội vẫn thất thu
Hình ảnh Bia Hà Nội xuất hiện trong bữa tối của cựu Tổng thống Mỹ Obama tại Bún chả Hương Liên Ảnh: Anthony Bourdain

Tuy nhiên, sau sự kiện này, Habeco lại không có một chiến dịch truyền thông rầm rộ để tận dụng sức ảnh hưởng. Có ý kiến cho rằng, cách mà Habeco quảng bá sản phẩm vẫn theo lối "doanh nghiệp Nhà nước" chứ không phải là lối làm ăn năng động như một doanh nghiệp tư nhân dù họ có một nền tảng rất đáng tự hào.

Có lẽ đây cũng là lý do vì sao đến nay, sau 126 năm, sản phẩm Bia Hà Nội vẫn chưa thể vươn xa ra thế giới.

Habeco, trước khi tiến hành phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) hồi năm 2008, đã ký kết đối tác chiến lược với Carlsberg. Do đó, khi tiến hành tiếp tục thoái vốn nhà nước lần này, đương nhiên đối tác chiến lược của họ được quyền ưu tiên mua cổ phần với một thỏa thuận có nhiều ưu đãi.

Sau 9 phiên đàm phán giữa Habeco và Carlsberg cho tới thời điểm này, hai bên vẫn chưa chốt được phương án cuối cùng bởi những vướng mắc về cơ chế khi Carlsberg muốn mua ít nhất 51% cổ phần. Nhưng quy định của nhà nước không cho phép nhà đầu tư nước ngoài mua quá 49% cổ phần của doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện.

Phó Tổng Giám đốc Habeco, ông Vương Toàn cho biết “sẽ có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ về vấn đề đàm phán với Carlsberg trước ngày 15/11/2017”. Nếu không giải tỏa được vướng mắc này, mục đích chi phối không đạt được, rất có khả năng Carlsberg sẽ bớt mặn mà với việc mua lại cổ phần tại Habeco. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới quá trình thoái vốn nhà nước tại Habeco.

Trong khi đó các đối thủ ngoại vẫn không ngừng củng cố sức mạnh nhằm tăng thị phần. Nhà máy bia Heniken Việt Nam đã lên kế hoạch tăng công suất sản xuất tại Việt Nam đến năm 2025.

Cùng với Heniken, các hãng khác như Tiger cũng muốn tăng nguồn cung cho thị trường lên cả chục lần so mức độ hiện tại.

Việc tập đoàn bia lớn nhất thế giới AB-InBev thâm nhập thị trường gần đây đối với Sapporo hay việc sáp nhập SabMiller vào AB-InBev hay chủ trương thoái vốn Habeco, Sabeco cho thấy một tương lai sôi động với tính cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong thời gian tới.

Theo An Mai (Nhadautu.vn)