Nếu chậm bán vốn, có khả năng quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại Sabeco, Habeco sẽ về tay SCIC...
Tại cuộc họp báo chuyên đề của Bộ Tài chính diễn ra sáng 27/9, ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết, việc thoái vốn Nhà nước tại hai doanh nghiệp lớn ngành bia là Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) đang ở giai đoạn cuối.
Theo ông Tiến, dự kiến, Bộ Công Thương sẽ tiến hành thoái vốn tại Sabeco và Habeco trong các tháng 10 và 11/2017, để chuyển tiền về quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp trước ngày 1/12/2017.
"Trường hợp đến ngày 30/9/2017, Bộ Công Thương chưa hoàn thành việc công bố bản cáo bạch về việc thoái vốn Nhà nước tại Sabeco hoặc Habeco, thì Bộ Tài chính sẽ trình Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn tại hai doanh nghiệp này sang Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), để đảm bảo việc thoái vốn Nhà nước", ông Tiến nói.
Ông Tiến khẳng định, việc chuyển giao để nhằm đảm bảo tiến độ thoái vốn nhanh hơn do SCIC là tổ chức chuyên trách thoái vốn, đã có kinh nghiệm, quy trình thoái vốn Nhà nước số lượng lớn.
"SCIC cũng đảm bảo theo sát nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch. Đồng thời, giúp Bộ Công Thương tập trung hoàn thành các nhiệm vụ về quản lý Nhà nước được Chính phủ giao", ông Tiến nói thêm.
Đối với Sabeco, việc thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp này dự kiến được chia làm hai giai đoạn: đợt 1 bán 53,59% vốn điều lệ, và đợt 2 bán 36% vốn điều lệ còn lại. Tỷ lệ sở hữu hiện tại của Bộ Công Thương tại Sabeco là 89,59%.
Nhiều khả năng phương thức bán cổ phần sẽ là đấu giá. Tuy nhiên, chưa biết việc bán cổ phần sẽ được thực hiện một lần hay nhiều đợt.
"Nếu được làm theo cách thức tương tự như trường hợp của Vinamilk, nhiều khả năng cổ phần Nhà nước sẽ được bán ra theo các đợt khác nhau. Trên cơ sở đó, sẽ có một phiên đấu giá một lượng cổ phiếu nhỏ được thực hiện để xác định giá bán. Sau đó các đợt bán tiếp theo sẽ được thực hiện vào những năm sau”, một báo cáo của Công ty Cổ phần Chứng khoán Tp.HCM (HSC) bình luận.
Giá trị thị trường của 53,59% cổ phần này theo ước tính hiện vào khoảng 87.462 tỷ đồng, tương đương 3,85 tỷ USD.
Nhiều công ty bia lớn trong khu vực và thế giới như Asahi hay Heineken đã tỏ ra quan tâm việc mua vào cổ phần tại Sabeco. Mặc dù vậy thị trường vẫn đồn đoán rằng một doanh nghiệp trong khu vực như Thai Beverage có thể có lợi thế hơn.
Đối với Habeco, theo kế hoạch được Bộ Công Thương công bố hồi tháng 8 năm ngoái, cơ quan này dự kiến thực hiện thoái toàn bộ gần 82% vốn Nhà nước đang nắm giữ tại Habeco ngay trong năm 2016, dự kiến thu về 9.000 tỷ đồng.
Tháng 10/2016, Bộ Công Thương đã quyết định thành lập ban chỉ đạo về việc thoái vốn Nhà nước tại Sabeco và Habeco, với trưởng ban là Thứ trưởng Cao Quốc Hưng và 10 thành viên là lãnh đạo các phòng ban chuyên trách tại Bộ Công Thương, lãnh đạo Sabeco, Habeco.
Sau khi Sabeco và Habeco được niêm yết trên sàn chứng khoán, giá trị cổ phiếu của hai doanh nghiệp này tăng khá nhanh. Sabeco hiện là một trong những doanh nghiệp có vốn hoá lớn nhất sàn chứng khoán. Tuy nhiên, công tác thoái vốn Nhà nước tại hai doanh nghiệp này vẫn diễn ra khá chậm.
Theo Bạch Dương (VnEconomy.vn)