Lật tẩy USD giả

10/03/2017 09:23:00

Nhiều trường hợp đồng USD bị “phù phép” tẩy rửa mệnh giá nhỏ sang mệnh giá lớn đã bị lật tẩy tại ngân hàng.

Nhiều trường hợp đồng USD bị “phù phép” tẩy rửa mệnh giá nhỏ sang mệnh giá lớn đã bị lật tẩy tại ngân hàng.
 
Mỗi tờ tiền USD in hình một nhân vật khác nhau  /// Ảnh: Ngọc Thắng

Mới đây, nhân viên Ngân hàng (NH) TMCP Ngoại thương VN (Vietcombank) tại số 5 Công trường Mê Linh, P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM vừa phát hiện một khách hàng đến đổi 1.000 tờ USD mệnh giá 100 USD sang tiền Việt bị sửa từ 1 USD thành 100 USD nên mật báo công an. Tại trụ sở công an, người khách này khai nhận tên P.N.D (trú tỉnh Thái Bình) đã nhận số tiền trên từ N.V.T.D (tỉnh Khánh Hòa) nhờ đổi. Những tờ tiền 1 USD này được tẩy sửa số 1 thành 100 và chữ One Dollar thành One Hundred Dollars.
 
Không dễ qua mặt ngân hàng
 
Đây là vụ việc có số lượng USD giả lớn từ trước đến nay mà NH gặp phải và cũng là trường hợp tẩy sửa từ 1 USD lên 100 USD mới gặp lần đầu. Trước đây, trong quá trình kiểm tra USD có phát hiện tình trạng USD giả bằng cách in giả hoặc photo tờ USD. Nhân viên một NH cho biết, với hình thức giả bằng cách tẩy sửa tờ 1 USD thành 100 USD, giới NH dễ dàng phát hiện bởi hình khuôn mặt trên tờ tiền 1 USD hoàn toàn khác trên tờ tiền 100 USD.
 
Đây cũng không phải lần đầu xảy ra trường hợp cạo sửa hoặc mang ngoại tệ giả đi tiêu thụ. Nhiều vụ USD giả đã được cơ quan chức năng phát hiện và bắt giữ trong thời gian qua. Trong năm 2016, Viện KSND tối cao đã truy tố ông N.T.D (tỉnh Đắk Lắk) về tội vận chuyển gần 30.000 USD giả từ Campuchia về VN tiêu thụ. Năm 2014, Công an Lạng Sơn bắt giữ vụ vận chuyển ngoại tệ siêu giả trị giá 200.000 USD.
 
Bà Kim Anh - Trưởng phòng Kho quỹ NH TMCP Xuất nhập khẩu VN (Eximbank), cho hay hình thức tẩy sửa tờ tiền rồi in chồng lên mệnh giá không mới, trước đây nhiều người là nạn nhân bị lừa khi tờ 5 USD tẩy sửa sang tờ 50 USD hay 10 USD qua 50 USD. “Với thủ thuật này, giấy tờ tiền USD là thật có thể qua mắt được người dân chứ giới NH thì không dễ”, bà Kim Anh nói. Kẻ gian quá liều lĩnh hoặc không biết đó là tiền đã bị tẩy sửa khi mang lượng USD lớn cả ngàn tờ, tương đương 100.000 USD vào NH quy mô lớn có bề dày kinh nghiệm chuyên về hoạt động xuất nhập khẩu và nhân viên am hiểu, tiếp xúc với các loại ngoại tệ như Vietcombank. Giới NH khi kiểm đếm các tờ tiền mệnh giá lớn chỉ sử dụng máy kiểm đếm tiền trong trường hợp kiểm tra về số lượng tờ. Còn để kiểm tra phân biệt tiền thật hay giả, nhân viên sẽ phải đếm từng tờ một để xem các chỉ số bảo an trên tờ tiền, chẳng hạn như hình bóng chìm, dây bảo hiểm, hình định vị, mực đổi màu và yếu tố hình ẩn (DOE)... Theo kinh nghiệm lâu năm của mình, bà Kim Anh cho hay, trong trường hợp kẻ gian dùng chất tẩy chỉnh sửa lại các con số thì còn những đặc điểm khác trên tờ tiền có thể nhận diện được tiền thật hay không. Chẳng hạn mỗi tờ tiền USD có hình tổng thống, chính trị gia, nhà kinh tế... hoàn toàn khác nhau: tờ 1 USD là hình Tổng thống Mỹ Washington, tờ 2 USD là Tổng thống Mỹ Jefferson, tờ 10 USD là Bộ trưởng Ngân khố Hamilton, còn tờ 100 USD có hình chính trị gia Franklin...
 
USD giả còn “đất sống”
 
Số liệu thống kê gần đây của NH Nhà nước cho thấy, lượng tiền giả thu giữ trong năm 2015 qua hệ thống NH, Kho bạc Nhà nước tăng 0,17% so với năm 2014 và gần 23% so với năm 2013. Tổng giám đốc một NH TMCP cho biết, thỉnh thoảng NH cũng phát hiện tiền USD giả hoặc bị “phù phép”, cạo sửa mệnh giá nhỏ sang mệnh giá lớn, số lượng mỗi lần khoảng 2 - 3 tờ.
 
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhận xét, hình thức làm giả USD muôn hình vạn trạng, trong đó hình thức tẩy sửa con số trên tờ USD nhằm chuyển mệnh giá nhỏ thành mệnh giá lớn có thể xem là ấu trĩ nhất. Các tổ chức tội phạm thường dùng máy công nghệ in tiên tiến để làm giả USD, có đến 80% yếu tố của tờ tiền gần giống tờ USD thật, những tờ USD này mắt thường hay người dân bình thường khó phân biệt được. Từ năm 2013, chính phủ Mỹ đưa vào lưu thông tờ tiền 100 USD thiết kế mới với những dấu hiệu nhận biết an ninh nổi bật, như dải băng 3D, lọ mực có in hình chiếc chuông tự do và số 100 ở góc tờ tiền.
 
Tại VN, việc phát hiện USD giả ngoài thị trường thường theo thói quen nhận biết của từng người, những người thường xuyên tiếp xúc với USD có thể phát hiện được USD thật giả, nhưng người dân ít tiếp xúc thì rất khó. “Đây chính là đất sống cho USD giả trên thị trường. Ở góc độ người dân, người nhận phải tiền giả sẽ chịu thiệt hại về kinh tế, và dù tỷ lệ tiền giả được đánh giá là nhỏ, thì người dân cũng hoang mang không biết đồng USD trong tay mình là thật hay giả. Đây là một trong những lý do thời gian qua NH Nhà nước khuyến nghị người dân nắm rõ các dấu hiệu bảo an cũng như tạo thói quen kiểm tra đồng tiền khi giao dịch tiền mặt”, ông Hiếu nói.
 
Theo điều 207 bộ luật Hình sự, người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả bị phạt tù từ 3 - 7 năm; phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 5 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng sẽ bị phạt tù từ 5 - 12 năm; phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 50 triệu đồng trở lên, bị phạt tù từ 10 - 20 năm hoặc tù chung thân; người chuẩn bị phạm tội này, bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 - 3 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Theo Thanh Xuân - Sơn An (Thanh Niên Online)

Nổi bật