Mở cửa phiên giao dịch 16/8, cổ phiếu Vinhomes (VHM) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tiếp tục tăng thêm 1.000 đồng, lên mức 121.000 đồng/cp. Đây là mức cao kỷ lục kể từ khi doanh nghiệp này niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.
Trong phiên cuối tuần trước, Vinhomes cũng bứt phá mạnh, tăng 3.000 đồng và thiết lập kỷ lục cao lịch sử.
Với mức giá hiện tại, Vinhomes có vốn hóa vượt ngưỡng 400 nghìn tỷ đồng (17,3 tỷ USD), trở thành doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất và duy nhất trên thị trường chứng khoán, vượt qua những tên tuổi lớn như: công ty mẹ Vingroup, Vietcombank, Thép Hòa Phát, Vinamilk,...
Đó là nhờ kết quả kinh doanh quý II ấn tượng, với lợi nhuận tăng gấp 3 so với cùng kỳ, lên trên 10 nghìn tỷ đồng.
Tính chung 6 tháng đầu năm, Vinhomes lãi ròng tăng 1,5 lần so với cùng kỳ lên 15.600 tỷ đồng. Doanh thu cũng tăng mạnh trên 80%, lên 41,7 nghìn tỷ đồng nhờ việc bán rao căn hộ ở nhiều dự bán lớn, trong đó có khu thấp tầng Manhattan tại Vinhomes Grand Park.
Điểm đáng chú ý là, trong khi dịch bệnh diễn biến phức tạp và đa số các doanh nghiệp bị gián đoạn trong khâu bán hàng thì Vinhomes vẫn giữ mục tiêu thu về 91 nghìn tỷ đồng doanh thu (3,9 tỷ USD) nhờ giao dịch bán buôn với các khách hàng tổ chức. Giao dịch sẽ được thực hiện với cả các đại dự án chưa mở bán như Wonder Park, Dream City và Cổ Loa.
Gần đây, tỷ Phạm Nhật Vượng quyết định bước vào cuộc đua mang tính toàn cầu, giữa các quốc gia và các hãng sản xuất ô tô lớn trên thế giới. Start-up của tỷ phú này hướng cạnh tranh thế mạnh toàn cầu của Trung Quốc.
Theo đó, Vingroup đã góp vốn 51% vốn, tương đương 510 tỷ đồng và ông Vượng góp 48,5% vốn để thành lập CTCP Giải pháp năng lượng VINES (VinES) để sản xuất pin và ắc quy. Nếu thành công, VinES sẽ mang đến cơ sở quan trọng cho hãng xe VinFast, thay vì phụ thuộc vào các nguồn pin khan hiếm trên thế giới, với khoảng 70% được sản xuất tại Trung Quốc.
Doanh nghiệp của ông Vượng tập trung vào việc nghiên cứu, thiết kế và sản xuất các linh kiện điện tử, các tế bào pin điện, các hệ thống pin điện hoàn chỉnh và động cơ điện các loại, nhằm tăng tỉ lệ nội địa hóa và đảm bảo nguồn cung chất lượng cao cho VinFast.
Gần đây, VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tính huy động tỷ USD, “đánh” thẳng vào thị trường Mỹ thông qua IPO với mức định giá ít nhất 50 tỷ USD sau khi niêm yết, vượt qua nhiều hãng xe danh tiếng Ford (49 tỷ USD), Kia (30 tỷ)....
Chỉ số chứng khoán VN-Index ngày 16/8
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), giá cổ phiếu có xu hướng đi lên. Chỉ số VN-Index tăng thêm gần 8 điểm và vượt ngưỡng 1.360 điểm. Nhóm cổ phiếu trụ cột phân hóa. Nhóm vừa và nhỏ tăng khá mạnh.
Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.
Theo BSC, VN-Index có tuần giao dịch khá giằng co khi lực mua và lực bán đấu tranh gay gắt trong các phiên giao dịch. Dòng tiền đầu tư chảy vào thị trường khi có 18/19 ngành đều tăng điểm với 259 cổ phiếu tăng và 109 cổ phiếu giảm. Thanh khoản thị trường duy trì tại ngưỡng 20.000 tỷ ở tại mức khá ổn định.
Tuy nhiên, hai phiên cuối tuần cho thấy sự suy yếu về đà tăng của VN-Index. Điều này thể hiện ở việc khối ngoại bán ròng mạnh và nhịp điều chỉnh từ ngưỡng 1.374 điểm về ngưỡng 1.350 điểm trong tuần. Với xu hướng như vậy, VN-Index có thể dao động trong vùng 1.330-1.380 điểm trong tuần tới. Ngoài ra, thông tin quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF đã đăng ký huy động thêm 180 triệu USD có thể tạo hiệu ứng giao dịch tích cực trên thị trường
Chốt phiên chiều 13/8, chỉ số VN-Index tăng 4 điểm lên 1.357,05 điểm. HNX-Index tăng 2,64 điểm lên 336,96 điểm. Upcom-Index tăng 0,2 điểm lên 92,17 điểm. Thanh khoản trong cả ngày đạt 30,4 nghìn tỷ đồng trên cả 3 sàn, thấp hơn một chút so với phiên liền trước. Riêng sàn HOSE đạt hơn 24,6 nghìn tỷ đồng.
Theo V. Hà (VietNamNet)