Ngày 12-10, tiếp tục phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021”.
Trình bày báo cáo kết quả giám sát, ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho biết trong giai đoạn 2016 - 2021, ngành năng lượng nước ta đã có bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ trong tất cả các phân ngành, lĩnh vực; bám sát định hướng và đạt được nhiều mục tiêu cụ thể đề ra.
Cung cấp năng lượng, đặc biệt là cung cấp điện, cơ bản đáp ứng đủ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội với chất lượng ngày càng được cải thiện. Công nghiệp khai thác dầu khí, lọc hóa dầu tiếp tục phát triển, hình thành được một số cơ sở lọc hóa dầu quy mô lớn. Đã đầu tư xây dựng nhiều dự án mỏ than có công suất lớn. Đầu tư xây dựng hạ tầng cung cấp điện có sự phát triển mạnh mẽ, đưa điện lưới quốc gia tới hầu hết mọi miền của đất nước.
Tuy nhiên, báo cáo của đoàn giám sát nêu rõ phát triển năng lượng nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức, đặc biệt đã xảy ra tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ năm 2022, thiếu điện một số thời điểm của năm 2023. Nhiều dự án điện bị chậm so với quy hoạch, kế hoạch.
Tại phiên họp, quan tâm đến lĩnh vực năng lượng tái tạo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết thời gian qua, Bộ Công Thương ban hành cơ chế giá cố định (giá FIT), với cơ chế giá ưu đãi đã xuất hiện làn sóng đầu tư điện mặt trời, điện gió ồ ạt.
Theo ông Vũ Hồng Thanh, trên thực tế, nhiều dự án đã hoàn thành, có dự án được hưởng giá FIT, có dự án không, hoặc có dự án được hưởng một phần giá FIT. Bên cạnh đó là thực trạng nhà đầu tư đầu tư dự án điện tái tạo nhưng không thể hòa lưới.
Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị đoàn giám sát cần làm rõ trách nhiệm ban hành giá FIT, việc ban hành cơ chế giá này có đúng nguyên tắc và tiêu chí hay không, có công bằng giữa các doanh nghiệp hay không? Ông Vũ Hồng Thanh cũng đề nghị làm rõ, đánh giá thực trạng này gây thất thoát, lãng phí của xã hội như thế nào.
Cũng nhấn mạnh tình trạng thừa điện tái tạo nhưng không thể hòa lưới quốc gia, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị trong báo cáo giám sát cần đánh giá kỹ hơn việc thực hiện Quy hoạch điện VII, quy hoạch điều chỉnh.
Theo ông Trần Quang Phương, đây là những vấn đề cần phải chỉ rõ nguyên nhân và trách nhiệm cụ thể của các cơ quan quản lý, địa phương, để từ đó đề xuất biện pháp trong thời gian tới nhằm khắc phục bất cập.
Về phía Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhìn nhận việc phê duyệt quy hoạch vẫn còn lúng túng bởi trên thực tế, vấn đề này được điều chỉnh ở các luật khác nhau, nhiều vấn đề chưa chế định trong các văn bản.
Bên cạnh đó, hiện nay đã nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về năng lượng tái tạo nhưng chưa có quy định về việc xác định giá. Theo Phó Thủ tướng, việc phát triển năng lượng tái tạo là chủ trương đúng nhưng cần có phương pháp quản lý hiệu quả khi đầu tư giữa các nguồn điện, đảm bảo cân đối giữa nguồn điện và truyền tải.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh chuyên đề giám sát phải có trọng tâm, trọng điểm và tạo ra chuyển biến sau giám sát, làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong ban hành văn bản pháp luật, thực thi chính sách.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị nên tập trung nhiều vào vấn đề về an ninh năng lượng, trong đó quan trọng nhất là điện, xăng dầu và trong điện thì tập trung đánh giá sâu liên quan đến Quy hoạch điện VII.
Nhấn mạnh việc giải trình liên quan đến quy hoạch điện của các cơ quan chưa thỏa đáng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát theo Luật Quy hoạch để làm rõ kế hoạch triển khai quy hoạch. Theo Chủ tịch Quốc hội, báo cáo cần chỉ rõ trách nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm trong vấn đề này. Chủ tịch Quốc hội đề nghị trên cơ sở ý kiến tại phiên họp, các cơ quan tiếp thu để tiếp tục hoàn thiện báo cáo.
Theo Minh Chiến (Nld.com.vn)