Lỗ khủng
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vừa báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của các doanh nghiệp do cơ quan này làm đại diện chủ sở hữu.
Tại báo cáo này, Ủy ban Quản lý vốn cho biết: Số lỗ 6 tháng năm 2023 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là hơn 35.400 tỷ đồng. Còn tính trong 8 tháng năm 2023, số lỗ của EVN dự kiến là hơn 28.700 tỷ đồng.
Năm 2022, EVN lỗ 26.500 tỷ đồng, chưa bao gồm các khoản chênh lệch tỷ giá.
Như vậy, tính chung số lỗ năm 2022 và 8 tháng năm 2023, công ty mẹ EVN đã lỗ tổng cộng khoảng trên 55.000 tỷ đồng.
Hồi đầu năm 2023, EVN đã tính toán tình hình tài chính cho năm 2023 với dự báo tài chính tập đoàn còn u ám hơn năm 2022 rất nhiều. Theo những tính toán khi đó, năm 2023, Công ty mẹ EVN, các tổng công ty điện lực và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia dự kiến lỗ sản xuất kinh doanh khoảng 64.941 tỷ đồng, nếu giá bán lẻ điện giữ như hiện hành (1.854,44 đồng/kWh).
Trong đó, 6 tháng đầu năm EVN dự kiến lỗ 44.099 tỷ đồng và 6 tháng cuối năm dự kiến lỗ 20.842 tỷ đồng.
Với việc tăng giá điện từ 4/5 lên 1.920,3732 đồng/kWh giúp EVN có thêm 8.000 tỷ đồng. Nhưng đại diện EVN khẳng định rằng: So với những khó khăn về tài chính rất lớn của năm 2022 và 2023 do giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện tăng cao thì mức tăng doanh thu này chỉ bù đắp được một phần khó khăn về tài chính của EVN trong năm 2023. Dự kiến hoạt động sản xuất kinh doanh điện của EVN sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn và mất cân đối tài chính.
"Với cơ chế điều tiết giá bán lẻ điện như hiện tại của Chính phủ, doanh thu tính toán theo giá bán lẻ điện bị điều tiết không đủ để EVN bù đắp chi phí", báo cáo của EVN tại hội thảo về giá điện tháng 7/2023 nêu quan điểm.
Tại hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp Nhà nước hôm 14/9, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN Đặng Hoàng An cho hay, EVN đang tập trung triển khai nhiều giải pháp nội tại như: tối ưu hóa chi phí, tối ưu huy động nguồn, cắt giảm các chi phí không cần thiết để giảm bớt khó khăn tài chính. EVN kỳ vọng trong thời gian tới sẽ dần cân bằng được tài chính.
Lại chuyện điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường
Khi nhìn vào số lỗ của EVN, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam cho rằng: Hiện nay bất kỳ loại hàng hóa dịch vụ nào vận hành theo cơ chế thị trường, giá do thị trường quyết định thì các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng hóa đó phải chấp nhận "lời ăn lỗ chịu".
Nhưng ông Thoả lưu ý, giá điện lại là câu chuyện khác. "Giá điện do Nhà nước quyết định. Giá điện vừa qua được vận hành theo quyết sách phục vụ mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tác động ở mức thấp nhất đến sản xuất, đời sống nên phải xử lý theo hướng "đầu vào cho sản xuất hình thành giá điện thì theo thị trường nhưng đầu ra thì phi thị trường", ông Thoả nói.
Vị này dẫn chứng, năm 2022, giá thành sản xuất kinh doanh điện được kiểm toán tăng 9,27% nhưng chỉ được điều chỉnh giá tăng 3%. Như vậy, việc quyết định điều chỉnh giá thấp hơn chi phí bỏ ra có chủ định của Nhà nước sẽ gây ra dòng tiền âm là không tránh khỏi.
Vì thế, việc điều chỉnh giá điện "theo cơ chế thị trường" là điều đã được Bộ Công Thương đặt ra khi soạn thảo Luật Điện lực sửa đổi, đặc biệt là trong bối cảnh phương án chuyển đổi Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia về Bộ Công Thương.
Định hướng chính sách của Bộ Công Thương là cần thiết nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về chính sách giá điện theo hướng thực hiện công khai, minh bạch, không phân biệt đối xử giữa các đơn vị điện lực; tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng, miền; đảm bảo giá điện phản ánh đúng chi phí cung cấp điện đến các đối tượng sử dụng điện...
Ông Nguyễn Xuân Thành, Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (Đại học Fulbright Việt Nam) trong tham luận tại Diễn đàn kinh tế xã hội Việt Nam ngày 19/9 đã nhấn mạnh "một ưu tiên chính sách" khi có sự tham gia nhiều hơn của nguồn năng lượng tái tạo trong hệ thống điện là thiết lập giá điện bằng với chi phí sản xuất mới, đặc biệt nếu nguồn cung mới đắt hơn chi phí trung bình và giá điện hiện nay.
Nếu chi phí của năng lượng tái tạo là 5-7 cent/kWh cộng với truyền tải, giá bán lẻ cần thiết sẽ vào khoảng 10-12 cent/kWh (khoảng 2.400 đồng/kWh), nếu bao gồm cả chi phí phân phối, bán lẻ.
"Đương nhiên khi tăng giá điện sẽ kéo theo phản ứng tiêu cực trong xã hội, nhưng sẽ không có chuyển đổi xanh, không thể nào phát triển năng lượng tái tạo mà không có lộ trình tăng giá điện ở mức đủ hấp dẫn đầu tư", ông Nguyễn Xuân Thành nói.
Theo Lương Bằng (VietNamNet)