Các chuyên gia của hãng Mỹ nhận thấy giá của thiết bị bán dẫn đã giảm 14% kể từ giữa năm ngoái, giá cước vận tải container giao ngay giảm 26% so với mức đỉnh hồi tháng 9-2021 và giá phân bón ở Bắc Mỹ giảm 24% so với tháng 3 năm nay, góp phần kéo giá thực phẩm xuống theo.
Dù dấu hiệu hứa hẹn bắt đầu xuất hiện song các chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng không nên sớm "thả cửa". Đơn cử tại Anh, nhà kinh tế học George Buckley của Ngân hàng Đầu tư Nomura chỉ ra các chỉ số giá khác hầu như không giảm bao nhiêu và giá năng lượng kịch trần hiện nay sẽ kéo đỉnh lạm phát đển tận tháng 10 tới.
Lạm phát ở Anh hiện ở mức 9%, cao nhất trong 40 năm qua và Ngân hàng Anh (BOE) cảnh báo lạm phát có thể đạt 2 con số vào tháng 10 năm nay.
Trước đó, trong ngày 8-6, dù nhấn mạnh "chúng ta đang không trên đà suy thoái" song Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm nay còn 3%, so với mức 4,5% được đưa ra vào cuối năm ngoái.
Theo Tổng thư ký OECD Mathias Cormann, lạm phát bình quân của các nước thành viên tổ chức này nhiều khả năng tiệm cận 9% trong năm nay, gấp đôi dự báo trước đó.
OECD đại diện cho 38 quốc gia, bao gồm hầu hết các nền kinh tế phát triển nhất thế giới. Tổ chức này cho rằng giá nhiên liệu và thực phẩm tăng vọt cộng với chuỗi cung ứng quá tải và các đợt phong tỏa do Covid-19, đặc biệt ở Trung Quốc, làm trầm trọng thêm khủng hoảng kinh tế.
Tác động rõ nhất là tại châu Âu. Theo báo The New York Times, tỉ lệ tăng trưởng ở Anh có thể đạt 3,6% vào năm nay song tới năm sau sẽ là 0%. Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, được dự báo tăng trưởng thấp hơn 2% trong năm nay và năm sau, còn tăng trưởng ở Mỹ có thể giảm xuống mức 2,5% trong năm nay và 1,2% vào năm sau.
Theo Hải Ngọc (Nld.com.vn)