Dễ làm, lãi cao
Tính đến thời điểm này, có gần 20 công ty tài chính đang hoạt động trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng, trong đó đa số trực thuộc các ngân hàng thương mại (NHTM). Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng cũng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng thông qua hình thức phát hành thẻ, cho vay thấu chi, cho vay hộ kinh doanh, vay tín chấp, vay cầm cố giấy tờ có giá,... như một cách tối đa hóa hoạt động kinh doanh.
Số liệu của cơ quan chức năng cho thấy, năm nay, cả ngân hàng và công ty tài chính đang khai thác thị trường có tổng dư nợ cho vay tiêu dùng đạt gần 5 tỷ USD. Quy mô thị trường đã tăng khoảng 10 lần so với năm 2013 và sẽ còn tiếp tục tăng gần 20% trong những năm tới.
Do đó, lĩnh vực cho vay tiêu dùng đang ngày càng trở nên sôi động, với sự gia nhập của nhiều nhà đầu tư mới. Sản phẩm cho vay tiêu dùng khá đa dạng, từ vài triệu đồng để mua điện thoại, điện máy, xe đạp điện đến cả vài chục, vài trăm triệu đồng như xe máy, đồ gia dụng, mua nhà, mua ô tô,...
Tuy nhiên, tại Việt Nam, tài chính tiêu dùng mới đóng góp khoảng 20% tổng dư nợ cả nước, trong khi ở các nước phát triển, tỷ trọng này chiếm từ 40% đến 50% trên tổng dư nợ.
Vì vậy, không chỉ có các ngân hàng trong nước mà các ngân hàng nước ngoài cũng nhập cuộc. Cùng với đó, một loạt các công ty tài chính thuộc các tập đoàn kinh tế Nhà nước cũng bắt đầu tham gia vào lĩnh vực này. Chẳng hạn, Công ty tài chính CP Xi măng đã đổi tên thành Công ty tài chính CP Tín Việt (VietCredit Finance Company) hay Công ty tài chính Điện lực (EVN Finance) bắt đầu tuyển nhân sự để hoạt động.
Tất cả đều đang đẩy mạnh hoạt động và mong muốn tìm kiếm lợi nhuận từ “phong trào” vay tiêu dùng ngày càng rầm rộ.
Lãnh đạo một NHTM nhận định, so với cho vay DN, cho vay tiêu dùng giảm thiểu rủi ro hơn vì món vay nhỏ, dễ thẩm định và dễ bù đắp nhưng đem lại lãi cao. Hiện nay mặt bằng lãi suất cho vay DN ở mức 6-9%/năm đối với ngắn hạn, 9-13%/năm đối với trung và dài hạn. Còn theo định hướng từ Chính phủ, các ngân hàng không thể nâng lãi suất cho vay đối với DN thì đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, giúp bù đắp lợi nhuận. Cho vay tiêu dùng hiện thấp nhất cũng ở mức 15%/năm, cao hơn hẳn cho vay DN.
Chính vì thế, nhiều NHTM đang phấn đấu để trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu với nhiều sản phẩm, dịch vụ. Cùng với đó, nhiều công ty tài chính xuất hiện khiến cuộc đua giành giật "miếng bánh" thêm căng thẳng.
Đua nợ xấu
Các NHTM có lãi suất cho vay qua phát hành thẻ, vay thấu chi thấp hơn đáng kể so với lãi vay của các công ty tài chính. Vì vậy, tỷ lệ khách hàng lựa chọn cách vay này ngày càng nhiều do không cần tài sản đảm bảo, thủ tục xét duyệt nhanh và đơn giản.
Năm 2018, nhiều NHTM báo tăng trưởng nhanh về cho vay tiêu dùng. Chẳng hạn, Vietcombank 9 tháng đầu năm có mức tăng trưởng cho vay tiêu dùng đạt 31%. Trong báo cáo tài chính quý 3/2018 của các ngân hàng, tỷ lệ cho vay khách hàng cá nhân trong tổng dư nợ không ngừng tăng. Tại nhiều nhà băng, tỷ lệ này trong năm 2018 đã chiếm trên 20%. Nhiều ngân hàng năm 2018 có dư nợ tín dụng tăng thấp nhưng lợi nhuận ròng vẫn cao nhờ lãi lớn từ các khoản cho vay tiêu dùng.
Ngược lại, những công ty tài chính được coi là “gà đẻ trứng vàng” thời gian qua đang thất thế so với một số ngân hàng về mức tăng trưởng cho vay tiêu dùng. Cùng với sự ra đời của nhiều công ty tài chính mới, cạnh tranh trên thị trường cho vay tiêu dùng cũng khốc liệt hơn, khiến mục tiêu tăng trưởng dư nợ, gia tăng thị phần càng khó khăn.
Để giành giật “miếng bánh” trong một thị trường kinh doanh béo bở, các công ty tài chính đã bước vào cuộc đua giảm lãi suất, hạ chuẩn cho vay. Tương tự, một số NHTM đã hạ thấp chuẩn khách hàng vay tiêu dùng nhưng lại tăng lượng tiền cho vay để cạnh tranh. Có NHTM cho khách hàng vay và thấu chi những khoản lớn.
Điều này dẫn đến hệ lụy là nợ xấu bắt đầu tăng nhanh. Các NHTM cũng có tỷ lệ nợ xấu tăng nhanh trong năm 2018, trong đó có yếu tố do đẩy mạnh cho vay tiêu dùng.
Về phía người đi vay, đa phần than phiền vẫn phải chịu lãi suất cao và cực kỳ phiền toái vì bị xâm phạm đời tư. Bên cho vay liên tục nhắn tin, gọi điện thúc giục trả nợ bất kể giờ giấc, ngay cả khi khoản nợ chưa đến hạn. Thậm chí, họ còn liên tục bị gọi đến nhà và cả người thân để đòi nợ, hay gửi cả thư “đe dọa” sẽ kiện ra tòa, đồng thời yêu cầu sự hỗ trợ của cơ quan thi hành án và chính quyền địa phương,... nếu người vay không thanh toán đầy đủ. Có những công ty tài chính luôn đòi nợ kiểu xã hội đen, quấy nhiễu khách hàng.
Cho vay tiêu dùng dự báo sẽ tiếp tục được mở rộng nhờ tăng trưởng từ ngành dịch vụ bán lẻ hàng năm lên tới 14%, biên lợi nhuận cao nhờ chênh lệch lớn giữa lãi suất đầu vào và đầu ra.
Các chuyên gia kinh tế cảnh báo, trong dài hạn, hoạt động tín dụng tiêu dùng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, do không có tài sản thế chấp và rất nhạy cảm với biến động kinh tế vĩ mô. Bài học về những khoản nợ xấu từ tài chính tiêu dùng dưới chuẩn tại Hàn Quốc, Nhật Bản,... vẫn còn. Cho vay dễ dãi, nếu gặp khó khăn, sẽ gây ra hậu quả rất lớn.
Trong khi, việc thành lập nhiều công ty tài chính hay tham gia vào đẩy mạnh cho vay tiêu dùng được kỳ vọng là tạo ra thị trường cạnh tranh lành mạnh, lãi suất giảm chứ không phải để cùng nhau “cắt cổ” người tiêu dùng.
Theo Trần Thủy (Bizlive.vn)