Làm gì khi mua phải hàng giả, hàng nhái trên Shopee, Lazada, TikTok Shop?

24/07/2024 15:03:29

Việc khiếu nại lên sàn thương mại điện tử có thể giúp bạn lấy lại tiền khi gặp phải hàng giả/ hàng nhái khi mua sắm online.

Mua hàng online đã trở thành thói quen tiêu dùng của nhiều người bởi tính tiện lợi, mua bán hàng hóa dễ dàng. Tuy nhiên cũng có không ít khách hàng đã gặp phải tình trạng mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng khi mua hàng online trên các sàn thương mai điện tử như TikTok Shop, Shopee, Lazada, Tiki...

Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết năm 2023, đơn vị này đã xử lý 764 vụ việc vi phạm đối với lĩnh vực thương mại điện tử, phạt tiền 12 tỷ đồng, trị giá hàng hóa gần 6 tỷ đồng, thông tin trên Dân Trí.

Các hành vi vi phạm chủ yếu là vi phạm quản lý Nhà nước về thương mại điện tử và các hành vi lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Thực tế, dù cơ quan chức năng đã mạnh tay xử lý hàng loạt trường hợp bán hàng giả, hàng nhái trên các sàn thương mại điện tử nhưng tình trạng này vẫn không có dấu hiệu giảm bớt.

Làm gì khi mua phải hàng giả, hàng nhái trên Shopee, Lazada, TikTok Shop?
Gặp phải hàng giá, hàng kém chất lượng là trường hợp không phải hiếm khi mua sắm online

Vậy những cách nào để giúp người mua hàng lấy lại tiền sau khi mua phải hàng giả, hàng nhái?

- Bước 1: Giữ nguyên hiện trạng hàng hóa và các chứng cứ liên quan để có thể liên hệ người đã bán và yêu cầu đổi hàng, hoàn trả tiền hoặc bồi thường.

- Bước 2: Vào đơn hàng vừa mua bấm vào yêu cầu trả hàng hoàn tiền.

- Bước 3: Yêu cầu trả hàng hoặc hoàn tiền với lý do nghi ngờ hàng giả, hàng nhái sau đó thêm hình ảnh thực tế về tình trạng hàng hóa, ý kiến về món hàng nhận được của người mua.

Ảnh hoặc video phải rõ nét cho thấy logo thương hiệu chứng minh sản phẩm không phải sản phẩm thật cùng với ảnh chụp màn hình của sản phẩm thực từ trang web chính thức (logo thương hiệu, ảnh). Bằng chứng bằng hình ảnh hoặc video càng chi tiết, rõ ràng thì khả năng được hoàn lại tiền của người mua càng lớn.

- Bước 4: Sau khi thực hiện, nền tảng sẽ gửi yêu cầu đến người bán và yêu cầu họ cung cấp bằng chứng hàng chính hãng. Nếu không cung cấp được thì nền tảng sẽ hoàn lại tiền cho bạn. Đồng thời, người bán cũng sẽ bị xóa sản phẩm, thậm chí là đóng băng tài khoản nếu số lượng hàng giả hoặc hàng nhái đã bán có số lượng đã bán cao.

Ngoài ra, người tiêu dùng có thể thông báo, làm đơn tố giác đến cơ quan Quản lý thị trường hoặc cơ quan công an nơi bên bán có trụ sở, cửa hàng, kho hàng...

Để có cơ sở giải quyết, người tiêu dùng cần cung cấp cho cơ quan điều tra chứng từ, hóa đơn mua hàng, hình ảnh hàng nhận được và hàng chính hãng, tin nhắn, điện thoại trao đổi giữa hai bên, chứng từ chuyển tiền hoặc xác nhận chuyển tiền của ngân hàng (nếu bạn thanh toán online) và các tài liệu, chứng cứ khác, nếu có.

Hiện, Tổng cục QLTT cũng công khai đường dây nóng hoạt động 24/7 là 1900.888.655 tiếp nhận các thông tin tố giác tiêu cực về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ.

PN (SHTT)

Nổi bật