Chuyên gia Ngô Minh Sang, người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc giao dịch với khách hàng VIP, cho biết ngay thu tiền tại nhà phục vụ khách VIP gửi tiền cũng có quy trình cụ thể.
Nhiều cách kiểm tra chéo
Theo đó, sau khi tiền được đưa về NH và nhập quĩ, sẽ có tin nhắn "báo có" từ hệ thống hoặc giao dịch viên gọi điện thông báo lại cho người gửi.
Nếu có đăng ký dịch vụ thông báo số dư qua điện thoại, mọi biến động trong tài khoản đều có tin nhắn thông báo.
Nếu khách hàng nắm quy trình hoặc có đăng ký các dịch vụ này để kiểm tra chéo và thường xuyên giám sát tài khoản của mình thì khó xảy ra tài khoản bốc hơi.
Tuy nhiên, trong thực tế không ít khách vì có quá trình giao dịch lâu với NH và quá tin tưởng nhân viên giao dịch nên không đăng ký dịch vụ thông báo số dư, hoặc ký sẵn trước giấy tờ giao dịch và phó mặc cho nhân viên NH để khỏi mất công đi lại dẫn dẫn đến rủi ro.
"Có trường hợp đem một cục tiền đến nộp và nói với nhân viên rằng muốn nộp để mở sổ tiết kiệm rồi đi, sau đó lấy sổ sau. Nhiều khi nhân viên NH đưa giấy tờ vẫn ký mà không đọc kỹ nội dung. Hằng tháng cũng không đối chiếu kiểm tra số dư, cũng không đến chi nhánh khác của NH để kiểm tra chéo xem số dư có khớp hay không..." - ông Sang nói.
Chuyên gia Bùi Quang Tín thì cho rằng khi gửi tiền tại quầy, người gửi nên thực hiện nghiệp vụ gửi tiền đúng quy định. Người gửi nên đến trực tiếp NH nộp tiền, ký các giấy nộp tiền, thực hiện đủ các bước như giao dịch viên đưa sổ cho phụ trách ký, đóng dấu, giao sổ tiết kiệm cho người gửi.
Cần kiểm tra thông tin
Tại một số NH lớn, các khâu làm thủ tục gửi tiền như giao dịch viên tiếp nhận thông tin của khách gửi tiền - nộp tiền cho kho quỹ - nhận sổ tiết kiệm được thực hiện ở ba quầy khác nhau, với quy trình qua ba người độc lập nên có độ an toàn cao hơn.
Nếu muốn an toàn hơn, có thể thực hiện bằng cách chuyển tiền từ tài khoản cá nhân của người gửi tiền đến cho NH gửi tiết kiệm.
Bằng cách này, hệ thống sẽ gửi tin nhắn qua điện thoại báo đã chuyển tiền và đó là bằng chứng đã nộp tiền cho NH.
Sau khi có sổ tiết kiệm, người gửi cũng nên kiểm tra thông tin một lần nữa trên hệ thống internet banking để đối chiếu xem có đúng số tiền hay không.
Trước đây đã từng xảy ra trường hợp người gửi tiền vì muốn được trả thêm lãi suất ngoài, tin tưởng giao dịch viên nên đã đưa tiền cho giao dịch viên làm sổ tiết kiệm, dẫn đến chuyện giao dịch viên lấy phôi thật làm sổ giả, tiền không nộp vào NH, khiến khách bị mất tiền...
Ngoài ra, khi nhận sổ tiết kiệm, người gửi cũng cần kiểm tra họ tên, số tiền ghi trên sổ, thời hạn gửi, lãi suất, con dấu của NH cũng như các chữ ký liên quan, thường gồm chữ ký nháy của giao dịch viên, kiểm soát viên và chữ ký của lãnh đạo NH hay phòng giao dịch.
Hiện có các kênh để kiểm tra tài khoản, như dịch vụ Internet Banking hoặc Mobile Banking qua đó sẽ kịp thời kiểm tra cũng như theo dõi biến động của các khoản tiền gửi tiết kiệm.
Yêu cầu rà soát quy trình gửi tiết kiệm
Sau khi xảy ra sự việc sổ tiết kiệm của bà Chu Thị Bình bị bốc hơi 245 tỉ đồng tại Eximbank, tối 23-2, NH Nhà nước đã ký văn bản gửi các NH yêu cầu nghiêm túc triển khai thực hiện việc đảm bảo an toàn giao dịch tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm.
Theo đó, NH Nhà nước yêu cầu các NH ngoài việc phải rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định nội bộ còn phải phổ biến, quán triệt, triển khai tới tất cả các đơn vị, các cán bộ nghiệp vụ để thống nhất thực hiện, tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật và quy định nội bộ về giao dịch tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm.
Đồng thời các NH đẩy mạnh đổi mới công nghệ để tăng cường an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động NH; xem xét áp dụng biện pháp xác thực các giao dịch tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm...
Theo Ánh Hồng (Tuổi Trẻ)