Bảng xếp hạng những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt ghi nhận tài sản cá nhân của các doanh nhân Việt được biết đến lần đầu tiên là năm 2006. Khi đó, cả nước có 193 cổ phiếu niêm yết, với quy mô vốn hoá 220.000 tỷ đồng (13,8 tỷ USD), tương đương 24% GDP Việt Nam.
Khi đó, bà Chu Thị Bình - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Thuỷ sản Minh Phú (MPC) là nữ doanh nhân giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Bà cùng chồng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Minh Phú Lê Văn Quang đều nắm giữ hơn 14,5 triệu cổ phiếu MPC, đạt giá trị gần 1.145 nghìn tỷ đồng, tương đương 71,6 triệu USD, xếp hạng thứ 4 và thứ 5 trên sàn chứng khoán, sau loạt đại gia của FPT. Con gái của ông bà, cô Lê Thị Dịu Minh, sinh năm 1986, nắm giữ tới 6 triệu cổ phiếu MPC, tương đương 474 tỷ đồng.
Năm 18 tuổi, sau khi tốt nghiệp THPT, bà Bình theo cậu vào Nam lập nghiệp. Quãng thời gian này, bà đã trải qua những ngày tháng khó khăn khi làm công nhân thu mua tôm. Tiếp đó, bà trở thành kế toán của Xí nghiệp Đông lạnh Cà Mau. Đây là quãng thời gian có ý nghĩa quan trọng để tích lỹ kinh nghiệm cũng như kiến thức thực tế phục vụ cho công việc sau này.
Trong quá trình làm việc trong Nam, bà Bình đã gặp được ông Lê Văn Quang (Chủ tịch HĐQT Công ty Thuỷ sản Minh Phú) và kết duyên vợ chồng.
Với những kinh nhiệm đã tích lũy trong thời gian làm việc, hai vợ chồng bà Bình - ông Quang đã lên kế hoạch gây dựng sự nghiệp riêng của mình. Nhờ sự giúp đỡ của bạn bè cộng với số tiền tích lũy, năm 1992, ông Quang và bà Bình đã thành lập doanh nghiệp tư nhân Minh Phú với số vốn ban đầu là 120 triệu đồng.
"Tôi vốn từ gian khó đi lên, trải qua rất nhiều công việc, từ một công nhân thu mua rồi đến kế toán, thủ quỹ… Công việc nào tôi cũng làm qua và phải làm bằng cả tâm huyết của mình mới có được ngày hôm nay", bà Bình tâm sự về những ngày đầu lập nghiệp đầy khó khăn và thử thách.
Trong nhiều năm sau, tuy vị thế trong bảng xếp hạng người giàu của hai vợ chông ông Quang đều đã thụt lùi sau sự trỗi dậy mạnh mẽ của các doanh nhân khác, nhưng Minh Phú vẫn là tên tuổi lớn nhất trong ngành xuất khẩu thủy hải sản của Việt Nam. Công ty này vẫn là nhà sản xuất thuỷ sản lớn nhất Việt Nam và lớn thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á, doanh thu 527 triệu USD năm 2016 và hơn 734 triệu USD năm 2017.
Theo thông tin từ Eximbank, ông Lê Nguyên Hưng (47 tuổi, quê tỉnh Bình Dương, Phó Giám đốc Eximbank chi nhánh TPHCM) đã bỏ trốn với khoản tiền chiếm đoạt 245 tỷ đồng từ khách hàng Chu Thị Bình. Người này đã lợi dụng sự tin tưởng của khách hàng, làm giả văn bản người được ủy quyền để rút tiền từ tài khoản của khách.
Sau khi vụ việc được cơ quan công an tiếp nhận và tiến hành điều tra, bà Chu Thị Bình bày tỏ với báo Người Lao Động việc rất bức xúc khi Eximbank đưa ra phương án chờ phán quyết của toà án mới trả lại tiền.
Theo bà Bình, khi phát hiện sự việc, Eximbank đã hứa hẹn trả lại tiền khi có kết luận của cơ quan điều tra và bà kiên nhẫn chờ đợi hơn một năm, phối hợp tích cực với cơ quan chức năng cùng Eximbank để điều tra vụ việc ông Lê Nguyễn Hưng (nguyên phó giám đốc Eximbank chi nhánh TP HCM) lừa đảo. Nhưng đến nay, khi cần tiền làm ăn, bà lại không thể sử dụng được tài sản chính đáng của mình.
"Sau khi cơ quan công an thông báo Eximbank có trách nhiệm trả lại tiền nhưng ngân hàng không thực hiện là oan ức cho tôi. Như thế là Eximbank thiếu thiện chí với người gửi tiền. Tôi sẽ kêu cứu các cơ quan chức ban, ngành cũng như công luận bảo vệ quyền lợi của mình", bà Chu Thị Bình chia sẻ.
Theo L.T (Nhịp Sống Kinh Tế)