Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố dữ liệu tiền gửi của khách hàng tính đến cuối tháng 10/2022. Theo đó, tổng tiền gửi của khách hàng vào hệ thống tăng thêm 5.766 tỷ đồng so với tháng trước lên gần 11,43 triệu tỷ đồng.
Trong đó, tiền gửi của cư dân trong tháng 10 tăng thêm 21.577 tỷ đồng so với tháng 9 lên hơn 5,66 triệu tỷ đồng.
Trong khi đó, tiền gửi của tổ chức kinh tế giảm 15.811 tỷ đồng xuống gần 5,77 triệu đồng.
Trong tháng 9, lượng tiền gửi của khách hàng tăng khá mạnh thêm 106 nghìn tỷ đồng sau khi tụt giảm trong tháng 7 và tháng 8 (tổng cộng giảm hơn 170 nghìn tỷ đồng).
Tổng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng tính tới cuối tháng 10 vẫn còn thấp hơn so với mức đỉnh đạt được hồi cuối tháng 6 (khi đó đạt gần 11,47 triệu tỷ đồng).
Tính từ đầu năm đến cuối tháng 10, tiền gửi của toàn hệ thống tăng gần 480,8 nghìn tỷ đồng, tương đương mức tăng 4,39%. Trong đó, tiền gửi dân cư tăng 6,78%, trong khi các doanh nghiệp chỉ tăng 2,15%.
Tốc độ tăng trưởng tiền gửi vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với tăng trưởng tín dụng. Trong 10 tháng đầu năm, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng trưởng tới 11,5%, đạt gần 11,6 triệu tỷ đồng.
Như vậy, chênh lệch giữa số dư tiền gửi và dư nợ tín dụng tiếp tục ở trạng thái âm (bắt đầu từ tháng 7), gây sức ép lên thanh khoản của nhiều ngân hàng.
Hôm 23/9, Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành thêm 100 điểm phần trăm và tiếp tục tăng thêm 100 điểm từ 25/10 (đưa lãi tái chiết khấu lên 4,5%/năm; lãi suất tái cấp vốn lên 6%/năm và lãi suất qua đêm lên 7%/năm).
Ngay sau khi NHNN tăng lãi suất điều hành, các ngân hàng thương mại đã vào cuộc đua tăng lãi suất huy động với mức tăng rất mạnh. Đến hiện tại, nhiều ngân hàng đã tăng thêm 3-4%/năm cho các kỳ hạn dài. Kỳ hạn ngắn cũng đã tăng thêm khoảng 2-3%/năm.
Đa số các ngân hàng áp dụng mức lãi suất các kỳ hạn dài từ 9%/năm trở lên như VPBank, Techcombank, Sacombank, ABBank. Một số ngân hàng đưa ra mức lãi suất thậm chí lên 12-13%/năm.
Còn theo báo cáo của NHNN, lãi suất tiền gửi VND bình quân trong tháng 10 của NHTM trong nước ở mức 0,2-0,3%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,3-4,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4 -6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng; 5,6-6,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng và 6,2-6,7%/năm đối với kỳ hạn trên 24 tháng.
Lãi suất tiền gửi USD của TCTD ở mức 0%/năm đối với tiền gửi của cá nhân và tổ chức.
Lãi suất cho vay bằng đồng VND bình quân của NHTM trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 8,4-9,9%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 4,6%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN (5,5%/năm).
Lãi suất cho vay USD bình quân của NHTM trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 3,2-4,5%/năm đối với ngắn hạn; 5,2-5,7%/năm đối với trung và dài hạn.
Hôm 5/12, NHNN nâng chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm 1,5-2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, ước tính tổng hạn mức tín dụng theo dư địa cũ và mới lên tới 400.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, các ngân hàng có thể không dễ đẩy tín dụng ra nền kinh tế do các ngân hàng không huy động đủ để cho vay cũng như phải đáp ứng nhiều quy định an toàn chặt chẽ hơn, trong khi số ngày còn lại của năm 2022 không còn nhiều.
Theo quy định mới, từ ngày 1/10/2022, các ngân hàng bị hạn chế cho vay trung và dài hạn do quy định của NHNN với tỷ lệ tối đa dùng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là 34%, thay cho mức 37% như trước đó.
Theo Mạnh Hà (VietNamNet)