Ngân hàng rục rịch tăng lãi suất tiền gửi
Trong những ngày cuối tháng 10 và đầu tháng 11 này, nhiều ngân hàng trên cả nước đã tiến hành điều chỉnh lãi suất tiền gửi tiết kiệm của khách hàng. Trong đó, xu hướng điều chỉnh có ngân hàng tăng và cũng có ngân hàng giảm lãi suất huy động.
Cụ thể, BaoVietBank vừa có thông báo điều chỉnh lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân ở một số kỳ hạn. Trong đó, lãi suất kỳ hạn 6 tháng tăng 0,15% lên mức 5,9%/năm, lãi suất kỳ hạn 12 tháng tăng 0,1% lên mức 6,35%/năm, nếu nhận lãi cuối kỳ thì mức lãi suất là 6,5% cho kỳ hạn 13 - 36 tháng.
Tại Eximbank, lãi suất kỳ hạn 1 tháng được tăng lên 3,3%/năm, kỳ hạn 3 tháng tăng lên 3,5%/năm.
Sacombank tăng lãi suất kỳ hạn 3 tháng lên 0,4%, đang ở mức 3,4%/năm, kỳ hạn 12 tháng tăng lên 5,5%/năm và 24 tháng tăng lên 6%/năm.
SHB cũng điều chỉnh tăng 0,4%, lên mức 6,1% đối với kỳ hạn 24 tháng cho các khoản tiền gửi dưới 2 tỷ đồng, lĩnh lãi cuối kỳ. Đối với kỳ hạn 24 và 36 tháng, khoản tiền gửi từ 2 - 500 tỷ đồng được ngân hàng này áp dụng ở mức 6,2% cho gửi tại quầy và 6,3 - 6,35% cho khách gửi online.
Trong khi các ngân hàng thương mại tăng lãi suất thì tại một số ngân hàng mức lãi suất lại được điều chỉnh giảm nhẹ. Đơn cử như tại Techcombank, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng giảm 0,4% xuống còn 2,4%/năm, trong khi đó, lãi suất kỳ hạn 24 tháng tăng 0,1% lên 5%/năm.
NCB điều chỉnh giảm 0,05 - 0,2% ở tất cả các kỳ hạn. Theo đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng giảm từ 3,9%/năm xuống còn 3,8%/năm, kỳ hạn 6 tháng từ 6,25%/năm xuống 6,1%/năm, kỳ hạn 12 tháng giảm từ 6,4%/năm xuống còn 6,35%/năm.
Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng tại VIB giảm từ 3,6%/năm xuống còn 3,4%/năm, kỳ hạn từ 6 tháng chỉ còn 5,0%/năm, kỳ hạn 24 tháng giảm từ 6,1%/năm xuống 5,8%/năm.
Nhóm ngân hàng quốc doanh, Vietcombank giảm 0,1% lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 3 tháng trở xuống. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng giảm còn 3%/năm, kỳ hạn 3 tháng còn 3,3%/năm.
Gửi tiền ở ngân hàng nào đang có lợi nhất?
Ở kỳ hạn 1 tháng và 3 tháng, SCB là ngân hàng hiện có mức lãi suất huy động cao nhất, lên đến 3,95%/năm. Đây cũng là mức mà NamABank đang áp dụng. Đứng ở các vị trí tiếp theo phải kể đến PVCombank, PGBank, NCB là 3,9%.
Kỳ hạn 6 tháng, CBBank và NCB đang huy động ở mức 6,25%, trong khi đó, các ngân hàng khác dao động từ 5,7 - 6,1%. Mức huy động lãi suất thấp nhất ở kỳ hạn này vẫn thuộc về 4 "ông lớn" VietinBank, BIDV, Agribank và Vietcombank với 4%/năm.
NCB đứng đầu trong lãi suất kỳ hạn 9 tháng, đạt 6,4%, CBBank 6,35%, SCB và BacABank là 6,2%, SeABank 6,05%, VietABank và NamABank là 6,0%.
Kỳ hạn 12 tháng SCB áp dụng mức lãi suất 6,8%/năm với điều kiện số tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên. CBBank đạt 6,55%, VietABank, Bac A Bank và Kienlongbank có lãi suất tiền gửi 6,5%/năm, NCB 6,4%...
Ngân hàng nào có nhiều tiền gửi nhất?
Theo thống kê tại 28 đã công bố báo cáo tài chính, tính đến cuối tháng 9/2021, tiền gửi khách hàng đạt hơn 7,7 triệu tỷ đồng, tăng hơn 460.172 tỷ đồng, tương đương tăng 6,4% so với đầu năm.
10 ngân hàng cổ phần có tiền gửi khách hàng nhiều nhất bao gồm BIDV, Vietcombank, VietinBank, SCB, Sacombank, ACB, MB, SHB, Techcombank, VPBank và HDBank.
3 ngân hàng VietinBank, Vietcombank, BIDV đều có tiền gửi đạt trên 1 triệu tỷ đồng. 3 ngân hàng này cùng với Agribank đang nắm giữ thị phần khoảng 47- 49% tiền gửi toàn hệ thống hiện nay.
Ở nhóm ngân hàng tư nhân, SCB, Sacombank, ACB, MB và SHB là 5 ngân hàng có tiền gửi nhiều nhất.
Theo Pha Lê (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)