TOP 10 ngân hàng có tiền gửi nhiều nhất
Theo thống kê tại 28 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính, tính đến cuối tháng 9/2021, tiền gửi khách hàng đạt hơn 7,7 triệu tỷ đồng, tăng hơn 460.172 tỷ đồng, tương đương tăng 6,4% so với đầu năm. Mức tăng này thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ các năm trước do ảnh hưởng của dịch bệnh.
10 ngân hàng cổ phần có tiền gửi khách hàng nhiều nhất bao gồm BIDV, Vietcombank, VietinBank, SCB, Sacombank, ACB, MB, SHB, Techcombank, VPBank, HDBank.
Hiện cả 3 ngân hàng VietinBank, Vietcombank, BIDV đều có tiền gửi đạt trên 1 triệu tỷ đồng. 3 ngân hàng này cùng với Agribank đang nắm giữ thị phần khoảng 47- 49% tiền gửi toàn hệ thống hiện nay.
Ở nhóm ngân hàng tư nhân, SCB, Sacombank, ACB, MB và SHB là 5 ngân hàng có tiền gửi nhiều nhất.
Trong 9 tháng đầu năm, nhìn chung các ngân hàng lớn đều có tăng trưởng tiền gửi tích cực. Chỉ riêng Sacombank bị sụt giảm 2,1%.
Quý 3/2021: Loạt ngân hàng bị sụt giảm tiền gửi do dịch Covid-19
Dưới tác động của dịch Covid-19 và đợt giãn cách kéo dài từ tháng 6, trong quý 3/2021, nhiều ngân hàng, đặc biệt những ngân hàng có thị trường chủ yếu ở các tỉnh thành phía Nam đã ghi nhận tiền gửi sụt giảm mạnh. Nhưng cũng trong quý 3, nhiều ngân hàng bất ngờ hút mạnh tiền gửi hơn cả 2 quý trước đó.
Thống kê theo báo cáo tài chính của 28 ngân hàng, trong quý 3/2021, có tới 11 ngân hàng ghi nhận tiền gửi của khách hàng sụt giảm, 3 ngân hàng khác gần như đi ngang.
Trong đó, với mạng lưới tập trung vào phía Nam, lượng tiền gửi tại Sacombank đã giảm tới hơn 15.000 tỷ đồng, đánh bay tăng trưởng đạt được của nửa đầu năm. Theo đó, 9 tháng, tiền gửi tại nhà băng này đã giảm hơn 9.100 tỷ đồng.
Liên quan đến biến động này, từ giữa tháng 10, Sacombank đã công bố biểu lãi suất huy động mới và tăng lãi suất ở nhiều kỳ hạn thêm khoảng 0,4-0,6%/năm để hút khách gửi tiền.
Tương tự, khách hàng cũng đã rút ròng hơn 7.300 tỷ đồng trong quý 3/2021 tại LienVietPostBank, hơn 4.100 tỷ đồng tại HDBank, hơn 2.900 tỷ đồng tại OCB và hơn 1.800 tỷ tại PGBank,…Ngoài ra, Eximbank, ABBank, Saigonbank, TPBank, VietABank, Kienlongbank cũng ghi nhận tiền gửi sụt giảm trong quý 3.
Ở chiều ngược lại, nhiều ngân hàng lại tăng tốc hút mạnh tiền gửi trong quý 3/2021. Điển hình là Vietcombank, huy động được thêm hơn 57.100 tỷ đồng tiền gửi khách hàng trong quý 3, cao nhất hệ thống. Theo đó, tiền gửi tại nhà băng này đến cuối tháng 9/2021 đạt hơn 1,1 triệu tỷ đồng, tăng 7,4% so với đầu năm.
Tương tự, VietinBank cũng có tăng trưởng tiền gửi ấn tượng trong quý 3, tăng thêm hơn 33.300 tỷ lên hơn 1,07 triệu tỷ đồng. BIDV tăng thêm gần 16.000 tỷ đồng, SHB tăng thêm hơn 13.300 tỷ đồng.
Đặc biệt, tiền gửi tại Techcombank tăng mạnh 9,35%, tương đương hơn 27.000 tỷ đồng trong quý 3/2021 lên hơn 316 nghìn tỷ. Theo đó, 9 tháng đầu năm, nguồn vốn huy động từ tiền gửi của nhà băng này đã tăng tới 14%, mức tăng trưởng cao nhất hệ thống. Việc tăng mạnh huy động của nhà băng này có thể nhằm đáp ứng nhu cầu tín dụng, khi dư nợ cho vay của Techcombank tăng tới 15,7% trong 9 tháng đầu năm, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp cũng tăng mạnh 25%.
Hay tại một ngân hàng tầm trung MSB, tiền gửi tăng mạnh 9,25% (tương đương tăng gần 8.000 tỷ) trong quý 3/2021 lên hơn 94.000 tỷ đồng,…
Đáng chú ý, những ngân hàng hút tiền gửi nhất trong quý 3 lại là những ngân hàng có lãi suất huy động thấp nhất hệ thống. Hiện lãi suất cao nhất khi gửi tại quầy của Vietcombank, VietinBank, BIDV chỉ 5,5-5,6%/năm, tại Techcombank là 5,5%/năm (và chỉ áp dụng cho khách gửi từ 3 tỷ trở lên),…
Có thể thấy, với mạng lưới rộng lớn hoặc ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng dịch vụ đã giúp những ngân hàng này vẫn hấp dẫn được người dân gửi tiền mà không cần phải chạy đua về lãi suất để cạnh tranh với những nhà băng khác.