Trong những ngày cuối tháng 11, thị trường tài chính lên “cơn sốt” khi lãi suất huy động và lãi suất cho vay đồng loạt giảm. Doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi nhưng người tiêu dùng chưa chắc đã nhận được “trái ngọt” từ đợt giảm lãi suất này.
Lãi suất giảm
Như thường lệ, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) luôn là đơn vị tiên phong trong “phong trào” giảm lãi suất. Chiều 18/11, Vietcombank gây chú ý khi công bố giảm đồng loạt 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện hữu bằng đồng Việt Nam của doanh nghiệp trong 2 tháng cuối năm 2019.
Lý giải cho việc giảm lãi suất, Vietcombank cho biết đó là do: “Bám sát chủ trương của Chính phủ và định hướng của Ngân hàng Nhà nước trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng đối với doanh nghiệp những tháng cuối năm”.
Sau Vietcombank, ba đơn vị còn lại trong nhóm “Tứ đại gia ngân hàng” là Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng nhanh chóng thông báo giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp.
Song song với nhóm “Tứ đại gia”, các ngân hàng thương mại tư nhân cũng tham gia “phong trào” giảm lãi suất và ưu đãi tín dụng. Đó là Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB), Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlong Bank)...
Không chỉ giảm lãi suất cho vay, ngành ngân hàng cũng giảm lãi suất huy động. Cuối ngày 18/11, Ngân hàng Nhà nước công bố điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi tối đa bằng đồng Việt Nam. Một trong những thông tin được giới đầu tư và người dân quan tâm nhất chính là lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5,5%/năm xuống 5%/năm. Quy định này được áp dụng từ ngày 19/11.
Doanh nghiệp hưởng lợi
Có thể thấy, Ngân hàng Nhà nước đang quyết liệt chỉ đạo ngành ngân hàng giảm lãi suất huy động, để từ đó có khả năng giảm lãi suất. Mục đích là hỗ trợ doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Trong thông báo về giảm lãi suất, Ngân hàng Nhà nước nêu rõ: “Quyết định số 2416/QĐ-NHNN ngày 18/11/2019 về mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12 /2016”.
Các ngân hàng cũng lý giải đối tượng mà họ hướng tới trong đợt giảm lãi suất lần này chính là doanh nghiệp. BIDV cho biết: “Với trách nhiệm của ngân hàng thương mại Nhà nước trong việc thực thi chủ trương của Chính phủ về việc giảm lãi suất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp có chi phí vốn vay phù hợp để thúc đẩy phát triển kinh tế, BIDV đã tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động vốn thêm 0,2%/năm đối với tất cả các kỳ hạn, thấp so với trần lãi suất quy định của Ngân hàng Nhà nước”.
Trao đổi với phóng viên, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định đợt giảm lãi suất lần này rất có ích cho doanh nghiệp. Lãi suất giảm đồng nghĩa với chi phí vốn, chi phí đầu tư của sản phẩm giảm, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường. Ngoài ra, đây là thời điểm cuối năm, nhu cầu về vốn tăng cao nên việc giảm lãi suất càng có ý nghĩa hơn với doanh nghiệp.
Người tiêu dùng chưa chắc được hưởng lợi
Giảm lãi suất cho vay sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, từ đó nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là sau khi giảm chi phí đầu vào, doanh nghiệp có giảm giá sản phẩm hay không. Hay nói cách khác, liệu người tiêu dùng có được hưởng lợi hay không.
Bình luận về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cho biết về mặt nguyên tắc, khi chi phí giảm, doanh nghiệp có cơ hội giảm giá để tăng khả năng cạnh tranh. Còn về thực tế, đây là câu hỏi khó trả lời vì nó phụ thuộc vào quy mô vay vốn cũng như tính thị trường.
Về quy mô vay vốn, theo ông Phong, ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất nhưng khả năng tiếp cận được bao nhiêu vốn của doanh nghiệp lại là câu chuyện khác. Có thể nhu cầu của vay vốn không quá lớn nên tình hình hoạt động của doanh nghiệp không có nhiều biến động. Vì vậy, việc giảm giá sản phẩm là khó.
Về tính thị trường, ông Phong phân tích, giá cả phụ thuộc vào mức cạnh tranh trên thị trường. Nếu sản phẩm có nhiều cạnh tranh, ngay cả khi phải đi vay với lãi suất cao, có khi doanh nghiệp vẫn phải hạ giá sản phẩm. Ngược lại, kể cả khi được hưởng lãi suất thấp, doanh nghiệp chưa chắc đã giảm giá sản phẩm nếu sản phẩm vẫn cạnh tranh tốt với mức giá cũ.
Ngoài ra, ông Phong cho biết thêm mục tiêu của đợt giảm lãi suất lần này là tăng cường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, từ đó tác động tốt lên nền kinh tế. Vì vậy, câu chuyện có hay không giảm giá sản phẩm không phải vấn đề quá lớn.
Theo My My (Nguoitieudung.com.vn)