Đó là nội dung quyết định 117 vừa được Phó thủ tướng Vương Đình Huệ ký ban hành.
Cụ thể, mức lãi suất cho vay ưu đãi trong năm 2018 đối với dư nợ của các khoản cho vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở theo quy định tại nghị định số 100 năm 2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội là 5%/năm.
Theo nghị định số 100, đối tượng được vay vốn ưu đãi để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở là đối tượng người có công với cách mạng; người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị; người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân; cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.
Các đối tượng trên được vay tối thiểu 15 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên. Trường hợp khách hàng có nhu cầu vay với thời hạn thấp hơn thời hạn cho vay tối thiểu được thỏa thuận với ngân hàng về thời hạn cho vay thấp hơn.
Tuy nhiên, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Quốc Hùng - vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước - cho biết hơn 1 năm nay chưa có nguồn để triển khai cho vay mới, bởi ngân sách chưa bố trí được nguồn.
Theo quy định, khoản cho vay ưu đãi thuộc chương trình này nằm trong kế hoạch đầu tư công dài hạn và được Quốc hội phê duyệt. Trong khi đó, khi phê duyệt kế hoạch đầu tư công dài hạn lại không có khoản này.
Theo Ngân hàng Nhà nước, sau hơn 3 năm triển khai, tính đến ngày 30-12-2016, gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội đã giải ngân hết. Đã có trên 50.000 cá nhân, hộ gia đình khó khăn về nhà ở cải thiện về chỗ ở… khi tiếp cận gói tín dụng nói trên.
Theo L.Thanh (Tuổi Trẻ)