Lãi gấp 3-4 lần, đại gia dồn dập bán 'của để dành', thu về nghìn tỷ

23/06/2021 11:07:18

Dòng tiền lớn đẩy giá thị trường chứng khoán lên đỉnh lịch sử. Nhiều cổ phiếu tăng phi mã và đây cũng là thời điểm mà nhiều đại gia, ông chủ doanh nghiệp đẩy mạnh bán ra cổ phiếu của công ty mình sở hữu.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank (STB) của ông Dương Công Minh vừa công bố đăng ký bán toàn bộ hơn 81,5 triệu cổ phiếu quỹ, dự kiến thực hiện từ ngày 1-30/7, theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận. Trong đó, thỏa thuận tối đa 20.087 cổ phiếu.

Theo thông tin từ Sacombank, mục đích bán cổ phiếu quỹ là để thực hiện theo đề án tái cấu trúc Sacombank sau sáp nhập đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê duyệt, đồng thời để tăng nguồn vốn tự có và bổ sung nguồn vốn kinh doanh của ngân hàng.

Sacombank của ông Dương Công Minh dự định bán một lượng lớn cổ phiếu quỹ trong bối cảnh giá cổ phiếu STB tăng khoảng 3 lần trong vòng hơn năm qua, từ mức 10.000 đồng/cp lên trên ngưỡng 30.000 đồng/cp. Đây cũng là mức giá cao kỷ lục.

Nếu bán thành công, Sacombank có thể thu về khoảng 2.400 tỷ đồng.

Trong bối cảnh TTCK tăng trưởng mạnh mẽ, giá cổ phiếu tăng phi mã, nhiều doanh nghiệp nhanh chóng bán cổ phiếu quỹ sau khi mua vào ở mức giá rất rẻ cách đây khoảng hơn 1 năm nhằm "giải cứu" giá cổ phiếu và giảm bớt tình trạng bán tháo khi TTCK sụt giảm vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Từ 28/4-18/5, Ngân hàng TMCP Tiên Phong - TPBank (TPB) của ông Đỗ Minh Phú cũng bán xong toàn bộ hơn 40 triệu cổ phiếu quỹ (tương đương 3,73% vốn điều lệ), với giá bình quân 28.406 đồng/cp, theo phương thức giao dịch thỏa thuận và thu về hơn 1.113 tỷ đồng.

Lãi gấp 3-4 lần, đại gia dồn dập bán 'của để dành', thu về nghìn tỷ
Sacombank của ông Dương Công Minh dự định bán một lượng lớn cổ phiếu quỹ. 

Hồi tháng 3/2020, khi TTCK giảm sâu, TPB đã gom thêm 10 triệu cổ phiếu quỹ với mức giá khi đó chỉ hơn 17.000 đồng/cp. Đến BCTC quý I/2021, tổng số cổ phiếu quỹ được ghi nhận giá trị 909 tỷ đồng, tương ứng 22.700 đồng/cp.

CTCP Cao su Đồng Phú (DPR) đăng ký bán toàn bộ gần 2,9 triệu cổ phiếu quỹ trong khoảng thời gian từ 1-30/6 để bổ sung nguồn vốn kinh doanh. Thép Nam Kim (NKG) cũng có kế hoạch bán 10 triệu cổ phiếu quỹ. Đây là số cổ phiếu được doanh nghiệp mua vào lúc giá 7.600 đồng/cp. Giá NKG hiện tại trên 32 nghìn đồng/cp.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (PLX) đăng ký bán ra 25 triệu cổ phiếu quỹ, giao dịch từ ngày 24/5 đến ngày 25/6, để thu về khoảng 1.400 tỷ đồng sau khi đã bán 25 triệu cổ phiếu quỹ cho ENEOS Corporation với giá giao dịch bình quân là 57.057 đồng/cổ phiếu, thu về hơn 1.426 tỷ đồng.

Sacombank của ông Dương Công Minh đăng ký bán cổ phiếu trong bối cảnh ngân hàng này đẩy mạnh tái cấu trúc và lợi nhuận bắt đầu cải thiện, với lãi trước thuế đạt 1.000 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm, tăng hơn 12 tỷ so với cùng kỳ năm trước.

Giá cổ phiếu tăng phi mã khi TTCK sôi động cũng là lúc nhiều doanh nghiệp, ngân hàng thoái vốn đầu tư tài chính và sở hữu chéo.

Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương - Saigonbank (SGB) vừa quyết định thông qua phương án thoái vốn, bán toàn bộ 8,2 triệu cổ phiếu BVB tại Ngân hàng TMCP Bản Việt - VietCapitalBank (BVB), với giá khởi điểm 22.800 đồng/cp. Cổ phiếu BVB đã tăng khoảng 2 lần trong khoảng 1 năm qua.

Quỹ thành viên của Dragon Capital - DC Developing Markets Strategies Public Limited Company (DCDMSPLC) - vừa bán thỏa thuận 894,800 cp ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu (HOSE: ACB) từ ngày 2-18/6. Trước đó, DCDMSPLC cũng đã từng bán ra 2,9 triệu cổ phiếu ACB từ ngày 5-7/5, giảm tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng từ 0,36% xuống còn 0,23% (4,93 triệu cổ phiếu). Trên thị trường, giá cổ phiếu ACB đã tăng hơn 24% so với đầu năm 2021, đang giao dịch với mức giá 35.650 đồng/cp (kết phiên 22/6).

VinaCapital cũng vừa bán hơn 10,5 triệu cổ phiếu KDC trong ba phiên giao dịch 14-16/6 khi giá ở vùng đỉnh thu về khoảng 600 tỷ đồng. Giá cổ phiếu KDC hiện dao động quanh mức 59.000 đồng/cp, vùng giá đỉnh trong lịch sử giao dịch và gấp 2,2 lần sau 1 năm.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), VN-Index tăng nhẹ lên đỉnh mới, trên 1.381 điểm.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán và ngân hàng tiếp tục bứt phá. Các chỉ số tăng điểm nhờ lực đẩy của nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn. Tuy nhiên, áp lực vẫn còn lớn và đến từ nhiều mã trụ cột nên đà tăng của các chỉ số không duy trì được mức cao.

Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.

Theo MBS, thị trường chứng khoán trong nước đã nối lại đà tăng nhưng áp lực chốt lời xuất hiện nhiều hơn và xóa bớt mức tăng vào cuối phiên hôm qua. Đây không phải là phiên đầu tiên thị trường bị ép xuống ở thời điểm cuối phiên, thanh khoản tiếp tục được giữ ở mức cao và dòng tiền đã dịch chuyển trở lại nhóm bluecchip đã hỗ trợ thị trường giữ vững thành quả phía trên ngưỡng 1.379 điểm. Về kỹ thuật, xu hướng tăng vẫn tiếp tục được củng cố khi VN-Index đã vượt đỉnh đầu tháng 6. Áp lực bán chủ yếu đến từ khối ngoại ở nhóm bluecchip, tuy vậy dòng tiền nội vẫn hấp thụ tốt lượng bán này, thị trường khả năng vẫn còn các nhịp rung lắc trong quá trình hướng đến ngưỡng 1.400 điểm.

Đóng cửa phiên giao dịch chiều ngày 22/6, chỉ số VN-Index tăng 7,34 điểm lên 1.379,97 điểm; HNX-Index tăng 0,84 điểm lên 317,09 điểm. Upcom-Index tăng 0,38 điểm lên 90,1 điểm. Thanh khoản đạt 26,8 nghìn tỷ đồng.

Theo V. Hà (VietNamNet)

 

Nổi bật