Các ngân hàng liên tục công bố mức lợi nhuận ấn tượng trong 2 năm trở lại đây với tăng trưởng khá cao. Nợ xấu nội bảng trình bày trên báo cáo tài chính cũng có những chuyển biến khá tích cực, giảm đi đáng kể.
Tuy nhiên, để đánh giá thực chất hoạt động của một ngân hàng thì không chỉ nhìn vào con số lợi nhuận cũng như tỷ lệ nợ xấu. Khoản mục lãi và phí phải thu trên bảng cân đối kế toán thường không được nhiều người để ý, nhưng là khoản mục quan trọng để biết được rõ hơn tình hình hoạt động của một nhà băng.
Nếu con số này quá lớn so với quy mô dư nợ hiện tại cho thấy hiệu quả thu lãi của ngân hàng không tốt. Có thể nhiều khoản lãi dự thu đã được ghi nhận và hạch toán vào thu nhập và lợi nhuận của những năm trước, tuy nhiên thực tế cho đến nay vẫn chưa thu được và những khoản này nếu xử lý bằng cách thoái thu có thể ảnh hưởng mạnh đến kết quả kinh doanh trong năm.
Đó cũng là lý do vì sao có luận điểm cho rằng ngân hàng đang ăn mòn vào lợi nhuận trong tương lai.
Đến cuối tháng 6/2018, lãi và phí phải thu của 20 ngân hàng đã lên tới gần 142 nghìn tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm 2018, trong đó chỉ có ACB, TPBank, ABBank và Eximbank là giảm. Còn so với hơn 3 năm về trước - đầu năm 2015, lãi và phí phải thu của 20 nhà băng này đã tăng khoảng 63% tương đương với hơn 54.000 tỷ đồng.
Tốc độ tăng lãi và phí phải thu có dấu hiệu chậm lại trong 2 năm trở lại đây, tuy nhiên cần nhìn nhận vẫn đang ở mức cao.
SCB, Sacombank, VietinBank, BIDV và SHB là 5 ngân hàng có lãi dự thu lớn nhất. Trên thực tế, 4/5 là những ngân hàng nhận sáp nhập thời gian trước đây, đó cũng là một trong nguyên nhân khiến lãi và phí dự thu ở mức cao.
Trong đó, riêng SCB có các khoản lãi và phí dự thu lớn nhất với hơn 44.700 tỷ đồng, tăng 7,5% so với đầu năm và đã tăng gấp đôi so trong vòng 4 năm. Dù là 1 trong 5 ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất hệ thống, lợi nhuận SCB chỉ ở dưới 200 tỷ đồng trong nhiều năm trở lại đây và chưa có dấu hiệu nào cho thấy sẽ bứt phá.
Tại Sacombank, lãi và phí phải thu tăng vọt từ chỉ hơn 5.000 tỷ cuối năm 2014 lên gấp 5 lần tới hơn 25.000 tỷ cuối năm 2015. Nguyên nhân được cho là trong năm 2015, ngân hàng hoàn tất sáp nhập với Southern Bank kéo theo không chỉ lãi và phí phải thu tăng đột biến mà còn phải ôm thêm một khối nợ xấu khổng lồ.
Trong nửa đầu năm 2018, tốc độ tăng tổng tài sản của các ngân hàng khá tương đương với tốc độ tăng lãi, phí phải thu; tỷ lệ các khoản lãi, phí phải thu trên tổng tài sản của 20 nhà băng không có nhiều thay đổi.
Trong 10 ngân hàng có lãi dự thu cao nhất thì 5 ngân hàng gồm SCB, Sacombank, VietinBank, VPBank và HDBank có tỷ lệ này giảm nhẹ trong khi 5 ngân hàng còn lại tăng, một số tăng mạnh hơn như SHB, LienVietPostBank.
SCB, Sacombank, SHB là những ngân hàng có tỷ lệ lãi, phí phải thu trên tổng tài sản cao nhất, lần lượt 9,4%, 5,9% và 3,1%. VietinBank và BIDV tuy có lãi dự thu khá lớn, nhưng so với quy mô dư nợ, tổng tài sản lại khá nhỏ, chỉ lần lượt 1,3% và 0,9%.
Các khoản lãi và phí phải thu trên thực tế là lãi dự thu (dự kiến thu được trong tương lai). Theo quy định của Bộ tài chính, sau 6 tháng lãi dự thu sẽ phải thoái ra. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng vẫn để lãi dự thu từ năm này qua năm khác.
Con số cụ thể của số lãi phải thoái là bao nhiêu và khả năng thu hồi ở từng ngân hàng vẫn là ẩn số. Tuy nhiên, số lãi dự thu phải thoái càng lớn, lợi nhuận ngân hàng sẽ càng teo tóp, khó bật lên. Quy mô lãi "ảo" càng tăng sẽ gây nhiều rủi ro về nợ xấu và đe dọa lợi nhuận các ngân hàng, dòng tiền mắc kẹt trong lãi dự thu sẽ rất vất vả để thu hồi.
Theo Diệp Trần (Soha/Trí Thức Trẻ)