CTCP Tập đoàn Masan (MSN) của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2021 chưa kiểm toán với hầu hết các mảng kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ, đưa doanh thu và lợi nhuận lên cao nhất trong lịch sử doanh nghiệp.
Theo đó, Masan ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất cả năm đạt 88.629 tỷ đồng (gần 4 tỷ USD), tăng 14,8% so với năm 2020.
Lợi nhuận sau thuế của Masan tăng gần 7 lần lên mức 8,6 nghìn tỷ đồng, trong đó, lợi nhuận sau thuế của mảng kinh doanh cốt lõi tăng gần 3,6 lần, lên 4.400 tỷ đồng. Nếu tính lợi nhuận trước thuế, lãi vay, khấu hao và khấu trừ dần (EBITDA), Masan đạt con số khổng lồ gần 16,3 nghìn tỷ đồng, tăng gần 1,6 lần so với 2020.
Các lĩnh vực đem về doanh thu lớn nhất cho tập đoàn của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang là: The CrownX (nền tảng hợp nhất WinCommerce và Masan Consumer Holdings), Masan MEATLife và Masan High-Tech Materials.
The CrownX đem về doanh thu 58 nghìn tỷ đồng. Trong đó, WinCommerce (đổi tên từ VinCommerce) đạt doanh thu 30,9 nghìn tỷ đồng cho dù tinh giảm số lượng điểm bán và chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. MCH đạt 28,8 nghìn tỷ đồng.
Masan MEATLife (MML) ghi nhận doanh thu tăng trưởng 17,2%, trong khi Masan High-Tech Materials (MHT) tăng 86%. MHT đạt gần 13,6 nghìn tỷ đồng. Đáng chú ý, doanh thu thuần mảng thịt theo hình thức nhượng quyền thương mại của MML tăng 71% trong năm 2021.
Hầu hết các lĩnh vực của Masan đều ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng mạnh. WinCommerce thậm chí từ lỗ 1.234 tỷ đồng năm 2020 chuyển sang lãi 1.100 tỷ đồng trong năm tài chính 2021.
Cũng như Masan, trong năm 2021, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do đại dịch Covid, nhiều DN ghi doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh.
Ngân hàng Quốc Tế (VIB) công bố kết quả kinh doanh năm 2021 với lợi nhuận vượt ngưỡng 8.000 tỷ đồng, tăng 38% so với năm trước và có tỷ lệ ROE rất cao: 31%. Trong quý IV, VIB ghi nhận lợi nhuận cao nhất trong lịch sử hoạt động của ngân hàng này: 2.700 tỷ đồng. Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) thậm chí ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng gấp đôi trong năm 2021, lên gần 5.200 tỷ đồng, vượt 58% so với mục tiêu 3.280 tỷ đồng.
Nhiều DN ngành phân bón cũng lãi kỷ lục trong năm 2021 như Phân bón và Hóa chất Dầu khí-Đạm Phú Mỹ (DPM), Đạm Cà Mau (DCM), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (LAS).
Đạm Phú Mỹ ghi nhận doanh thu tăng 63% lên 12,8 nghìn tỷ, lợi nhuận trước thuế tăng gấp 4,3 lần lên 3.600 tỷ đồng. Đạm Cà Mau đạt doanh thu trên 10 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 1.800 tỷ đồng, tăng 3 lần so với 2020 và cao nhất 10 năm hoạt động.
Sở dĩ các doanh nghiệp đạt được kết quả kinh doanh tốt nhờ tập trung và mở rộng mảng kinh doanh cốt lõi, tái cấu trúc hợp lý để vượt qua khó khăn. Sự hồi phục của nền kinh tế những tháng cuối năm giúp các ngân hàng bứt phá, trong khi nhóm phân bón hưởng lợi từ giá bán sản phẩm cao.
Với đà vượt khó, nhiều doanh nghiệp được dự báo sẽ bứt phá khi kinh tế tăng trưởng mạnh trở lại, dự báo 5,5% trong năm 2022 (theo WB) và trở lại mức tăng trưởng cao từ 2023.
Chỉ số chứng khoán VN-Index ngày 20/1
Thị trường chứng khoán vẫn ghi nhận sự thận trọng. Tuy nhiên, sự hồi phục của nhóm cổ phiếu chứng khoán và ngân hàng cũng đã đem lại sự tươi sáng hơn cho các nhà đầu tư.
Theo VDSC, diễn biến thị trường tiếp tục chậm lại với động thái hồi phục nhẹ và thăm dò cung cầu. Hiện tại, dòng tiền vẫn đang thận trọng, thể hiện qua thanh khoản lùi về mức thấp. Với diễn biến hiện tại và tín hiệu hỗ trợ còn kém, mức độ hồi phục của thị trường tạm thời sẽ không mạnh và quá trình thăm dò cung cầu sẽ tiếp diễn trong phiên giao dịch tiếp theo.
Chốt phiên chiều 19/1, VN-Index tăng 3,85 điểm lên 1.442,79 điểm. HNX-Index giảm 11,89 điểm xuống 409,31 điểm. Upcom-Index tăng 0,37 điểm lên 107,84 điểm. Thanh khoản đạt 25,7 nghìn tỷ đồng, trong đó trên sàn HOSE đạt 23 nghìn tỷ đồng.
Theo V. Hà (VietNamNet)