Nhắc tới những ngôi nhà tiền tỉ một mét vuông tại Hà Nội, người ta thường nghĩ tới những căn nhà mặt tiền rộng có thể kinh doanh, hoặc nhà phố cổ nghìn năm văn hiến. Nhưng ít ai hình dung ra được, một cái bếp cũ cũng đã từng có giá hàng tỷ đồng.
Tình cờ phóng viên đã dừng chân tại một nhà bán trà đá có vị trí khác đặc biệt, phía trước tòa nhà Mipec (Tây Sơn). Ngôi nhà này nằm lẻ loi, cách biệt hoàn toàn với các nhà khác trên ở mặt đường Tây Sơn và đặc biệt nó án ngữ ngay vị trí mặt tiền của tòa nhà này.
Khi phóng viên hỏi thăm về căn nhà đặc biệt này, chủ nhân của ngôi nhà cũng là người đang bán quán nước hiện nay trả lời khá thẳng thắn: “Mua thì bán, ăn trộm ăn cắp gì đâu mà sợ”.
Ngôi nhà tiền tỷ nằm dưới tán cây |
Lần mò tìm kiếm thông tin về căn nhà đặc biệt đó, PV tìm đến một quán phở bò phở đầu ngõ 205 Tây Sơn gần đó lân la bắt chuyện, thì được cô chủ quán – một cư dân đã sinh sống ở đây nhiều năm cho biết: “Trước đây, ngôi nhà đó lớn hơn nhiều, đó là nhà tập thể của nhà máy chia cho cư dân. Nhưng phần lớn diện tích căn nhà đã bị giải tỏa, chỉ còn trơ lại cái bếp gần 6m2”.
“Từ những năm 2004, khi tòa nhà phía sau khởi công xây dựng, đã có một lời đề nghị mua lại căn nhà với giá 2 tỷ đồng, nhưng chủ nhân ngôi nhà không bán vì đòi cao hơn nữa”, cô chủ quán cho biết.
Diện tích khá nhỏ |
Cụ thể số tiền chủ nhà muốn là bao nhiêu không ai biết, một số nhân viên tòa nhà MIPEC cho biết, có lúc số tiền đòi trả cho ngôi nhà đó có thể lên đến mười mấy tỷ đồng, nhưng sau khi không đi đến được thống nhất thì cho đến nay căn nhà vẫn nằm đó.
Theo lời cô chủ quán phở: “Thời điểm năm 2004, một ngôi nhà chưa đầy 6m2 có giá lên tới tận 2 tỷ đồng, tương đương với gần 350 triệu đồng/m2 là rất có giá trị. Ngày đó trả 1 tỷ đồng thôi nhiều người cũng đã bán vội, vì ở đó là khu lăng Hoàng Cao Khải”.
Ngôi nhà 6m2 nằm lẻ loi 1 mình |
“Thời điểm đó, chủ nhà sợ ngôi nhà “lỡ may” bị ủi nên thường xuyên nằm trong nhà không đi đâu. Một thời gian có cho thuê cầm đồ nhưng không trụ được nên lại quay về bán trà đá”, cô chủ quán cho biết thêm.
Quán trà đá nằm ngay phía mặt tiền tòa nhà |
Ngày qua ngày, hai vợ chồng chủ nhà vẫn dựa vào quán trà đá làm nguồn thu nhập chính, ngoài ra cũng có bán thêm bánh mì hay một số đồ lặt vặt nữa. Quán ở vị trí “độc đắc” nên lượng khách vào cũng rất đều, dù mưa hay nắng thì vẫn đều đều chục khách ngồi.
Nhà tiền tỷ: chỗ khó mua, chỗ bị ngó lơ
Đã sống ở Hàng Buồm nhiều năm nay, anh Vũ Văn Huy cho biết: “Ở phố cổ khá ít người hỏi mua vì để ở thì rất ít khách có nhu cầu đó. Đa phần mặt bằng chỉ dành để kinh doanh nên người ta thích thuê hơn là mua”.
“Ngày xưa Hàng Buồm hay bán bánh kẹo, nhưng bây giờ phần lớn chuyển sang mở các quán bar, pub hay quán bia để phục vụ khách nước ngoài hay đi bộ qua”, anh Huy nói.
Cũng theo anh Huy: “Nhà ở khu vực này rất đắt đỏ, nên có rao bán nhưng người thực sự có nhu cầu không nhiều. Những ngôi nhà 270 m2, lợi thế mặt đường trải dài 3 số nhà (gần 20m) có thể lên tới gần 100 tỷ đồng, nhưng chưa thấy bán được”.
“Có nhà, mặt tiền chỉ 2m, dài khoảng 40m hơi khó kinh doanh, nên chỉ có giá bằng gần 1/5, khoảng mười mấy tỷ đồng cũng chẳng thấy ai mua”, anh Huy kể.
Dạo gần đây, theo anh Huy: “Cũng mới có một căn nhà ở Hàng Buồm gần 200m2 được bán với giá khoảng 60 tỷ đồng, mặt đường 10m. Giá này đã nhình hơn một chút so với 1 – 2 năm trước”.
Anh Nguyễn Vũ Ngọc Minh (Vương Thừa Vũ, Hà Nội) là chuyên kinh doanh bất động sản cho biết: “Đất ở quận Hoàn Kiếm xưa nay vẫn vô cùng đắt. Những khu vực như phố Huế, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo đang rất hot vì mặt tiền kinh doanh tốt đường rộng, nhưng những khu vực phố cổ thì lại rất ít khách hỏi mua”.
“Hàng Trống, Hàng Hành, Phan Chu Trinh, Nguyễn Biểu, Hàng Cá,...là top những phố có giá đất mặt tiền dẫn đầu TP Hà Nội. Giá thương lượng cao nhất từ cuối năm ngoái tới giờ nằm trong khoảng từ gần 700 triệu đến hơn 1,2 tỷ đồng mỗi m2”, anh Minh cho biết thêm.
Về giá đất, anh Minh nhận định: "Mức giá cao hay thấp còn phụ thuộc vào diện tích đất, mặt tiền và tài sản trên đất. Những lô đất nhỏ, giá mỗi m2 lại cao hơn vì nó vừa tiền."
"Có khi, mức giá bên bán đòi hỏi tưởng như trên trời, nhưng bên mua vẫn chấp nhận vì họ thực sự cần để phục vụ mục đích riêng", anh Minh nói.
Nhưng hiện nay, bằng kinh nghiệm nhiều năm, anh Minh cho rằng: “Nhà ở khu vực phố Huế, Bà Triệu hiện nay tuy không cao bằng một số phố cổ nhưng lại rất khó mua”.
“Bởi ở đây, người có nhà toàn giữ làm kinh doanh hoặc cho thuê, chứ không phải chờ lên giá để bán. Giá thuê mặt bằng một tháng mấy chục triệu, nhà to có khi cả trăm triệu nên nhiều người cho rằng nếu bán còn lỗ. Muốn thuê phải kí hợp đồng vài năm, đặt cọc và trả trước mấy tháng tiền nhà mới có thể thuê được”, anh Minh cho biết thêm.
Nhiều người sinh sống ở hai con phố này cho biết, họ thực sự không biết giá nhà ở đây là bao nhiêu tiền 1m2, vì nhà chỉ để ở và cho thuê nên không quan tâm đến chuyện đó.
Rao bán nhà các phố hot lên tới vài chục tỷ đồng |
Tuy nhiên, trên một số trang web mua bán nhà đất ở Hà Nội, vẫn có một vài căn nhà ở phố Huế, Bà Triệu được rao bán với giá hàng chục tỷ đồng. Và lý do chủ muốn bán là chuyển đi nước ngoài sinh sống.
Theo Thế Hưng (Dân Trí)