Kinh tế Nhật bất an vì mafia yakuza khủng hoảng

10/09/2015 13:59:42

Tổ chức mafia lớn nhất và cũng là giàu nhất ở Nhật Bản đang trải qua một cuộc khủng hoảng nội bộ, có khả năng gây ra những ảnh hưởng lớn đối với nền kinh tế lớn thứ hai châu Á, hãng tin CNBC cho biết.

Tổ chức mafia lớn nhất và cũng là giàu nhất ở Nhật Bản đang trải qua một cuộc khủng hoảng nội bộ, có khả năng gây ra những ảnh hưởng lớn đối với nền kinh tế lớn thứ hai châu Á, hãng tin CNBC cho biết.

Yamaguchi-gumi - nhóm tội phạm có tổ chức (trong tiếng Nhật gọi là yakuza) khét tiếng nhất xứ mặt trời mọc - gần đây chứng kiến hàng loạt thành viên tách ra để lập một nhóm riêng. Tờ Japan Times đưa tin, hôm thứ Hai tuần này, nhóm mới lập có tên Kobe Yamaguchi-gumi chính thức tuyên bố thành lập.

Thủ lĩnh của băng đảng mafia mới này là Kunio Inoue tuyên bố bất mãn với thủ lĩnh hiện tại của Yamaguchi-gumi là Shinobu Tsusaka - người còn được biết đến với cái tên Kenichi Shinoda. Trong thông cáo chính thức về sự ra đời của Kobe Yamaguchi-gumi, Inoue không tiếc lời chỉ trích Tsusaka là “vô cùng ích kỷ”.

Thông tin về sự ra đời của nhóm mafia mới được công bố sau khi có tin Yamaguchi-gumi khai trừ 13 thủ lĩnh của các nhóm thành viên trong tuần trước, trong đó có Inoue - người đứng đầu nhánh có tên Yamaken-gumi.
 

Thủ lĩnh Shinobu Tsusaka của băng đảng mafia Nhật Bản Yamaguchi-gumi.

Theo Japan Times, bất mãn nội bộ đã khiến tổng cộng 3.000 thành viên của Yamaguchi-gumi ra khỏi tổ chức này. Trước khi bị chia tách, băng đảng này có tất cả hơn 23.000 thành viên, tương đương 40% tổng số thành viên của các băng nhóm tội phạm ở Nhật, theo một số ước tính đáng tin cậy.

Khi câu chuyện về sự ra đời của nhóm mafia mới lắng xuống, thì một mối đe dọa mới xuất hiện.

Đó là liệu căng thẳng hiện nay trong nội bộ Yamaguchi-gumi có gây gián đoạn nguồn thu nhập của nhóm này, từ đó ảnh hưởng đến thế giới doanh nghiệp Nhật, bởi nhóm này nắm quyền sở hữu và kiểm soát không hề nhỏ đối với nhiều doanh nghiệp khác nhau ở đất nước hoa anh đào.

“Yamaguchi-gumi là bộ phận truyền động của cỗ xe doanh nghiệp Nhật. Một tổ chức lớn như nhóm này chắc chắn có ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế Nhật”, giảng viên Eric Messersmith tại Học viện Nghiên cứu châu Á thuộc Đại học quốc tế Florida nhận định với CNBC.

Ông Messersmith tin rằng, ở giai đoạn hiện nay, bất đồng nội bộ của Yamaguchi-gumi có thể gây ra sự gián đoạn nhỏ về lợi nhuận của yakuza này nếu tình hình không leo thang.

“Các công ty đa quốc gia lớn thường cách ly với hoạt động của các băng đảng, nhưng còn tùy. Những công ty có bộ phận thương mại quốc tế như Marubeni chịu ảnh hưởng của các băng nhóm vì họ giao dịch với các công ty có yakuza làm tay trong, cho dù họ có biết điều đó hay không”, ông Messersmith giải thích.

Nắm quyền kiểm soát ở hàng loạt công ty hợp pháp trong các lĩnh vực từ giải trí, tài chính, công nghệ thông tin cho tới bất động sản, sự thống trị không chính thức của Yamaguchi-gumi ở Nhật Bản là điều không thể phủ nhận.

Tạp chí Fortune ước tính doanh thu ròng của tổ chức mafia này lên tới 80 tỷ USD trong năm 2014, cao nhất trong làng tội phạm toàn cầu, và cao hơn nhiều so với doanh thu của băng Camorra khét tiếng vùng Naples của Italy, hay nhóm mafia sừng sỏ Sinaloa của Mexico.

Chia để trị

Sự chia tách của Yamaguchi-gumi còn có thể gây nguy hiểm cho dân thường. Tuần trước, cảnh sát Nhật đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ xảy ra bạo lực giữa các phần tử mafia của tổ chức này.

Cuộc khủng hoảng nội bộ gần đây nhất ở Yamaguchi-gumi xảy ra vào năm 1984 đã kéo theo 5 năm liên tiếp bạo lực băng đảng khiến nhiều dân thường thiệt mạng và bị thương.

Căng thẳng ở tổ chức mafia lớn nhất Nhật Bản xảy ra vào một thời điểm nhiều thách thức đối với Thủ tướng nước này Shinzo Abe. Tỷ lệ ủng hộ của cử tri Nhật đối với ông Abe đã giảm xuống trong mấy tháng gần đây do dự luật an ninh mới.

“Việc chia tách Yamaguchi-gum là một cơ hội tốt để cảnh sát tăng cường trấn áp nhóm này, làm suy yếu sức mạnh của chúng. Cảnh sát cần nhanh chóng thu thập thông tin và thực hiện tất cả các biện pháp có thể, bao gồm bắt giữ các thành viên cấp cao, chấm dứt vĩnh viễn hoạt động của nhóm”, tờ báo Asahi Shimbun viết trong một bài xã luận mới đây.

Được thành lập vào năm 1915, Yamaguchi-gumi đã đánh dấu 100 năm hoạt động trong năm nay. Giống như 20 nhóm yakuza khác của Nhật, nhóm này có logo riêng, có văn phòng và danh thiếp đàng hoàng. Điều này là một bằng chứng cho thấy vai trò công khai của tổ chức mafia trong nền kinh tế Nhật.

Trong mấy năm gần đây, Yamaguchi-gumi đã nỗ lực cải thiện hình ảnh. Ông trùm 73 tuổi Tsukasa đã áp dụng một “bộ quy tắc ứng xử” sau khi ra tù vào năm 2011, cấm các thành viên sử dụng hoặc bán ma túy. Quy định này được đăng tải trên website chính thức của Yamaguchi-gumi.
 
>> Mafia Nhật Bản manh nha "nội chiến"
 
Theo An Huy (VnEconomy.vn)