Kiến nghị làm rõ trách nhiệm vụ sầu riêng dư lượng Cadimi

28/05/2025 17:06:24

Trước nguy cơ ngành hàng tỷ USD bị “xóa sổ” vì trái sầu riêng nhiễm Cadimi, Tập đoàn Vinacam đã có văn bản gửi Thủ tướng, kiến nghị làm rõ trách nhiệm và công khai quá trình xử lý lô phân bón DAP Hàn Quốc bị nghi vượt ngưỡng kim loại nặng.

Ngày 27/5, Tập đoàn Vinacam – đơn vị nhập khẩu và phân phối phân bón tại Việt Nam – đã có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ liên quan đến vụ việc hàng loạt container sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc bị trả về do phát hiện dư lượng Cadimi vượt mức cho phép.

Theo Vinacam, nguyên nhân gốc rễ đến từ lô phân bón DAP (Diammonium Phosphate) xuất xứ Hàn Quốc – do nhà máy Namhae sản xuất – được sử dụng tại các vùng trồng sầu riêng trọng điểm. Qua kiểm tra độc lập, lô phân này bị phát hiện chứa Cadimi lên tới 28 mg/kg, cao hơn nhiều lần so với mức cho phép 12 mg/kg. Tuy nhiên, cảnh báo về nguy cơ này, dù đã được gửi tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng từ tháng 7/2023, đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi rõ ràng.

“Đây không chỉ là sự cố đơn lẻ mà là nguy cơ có thể khiến toàn ngành hàng sầu riêng xuất khẩu – vốn đạt hàng tỷ USD mỗi năm – bị đình trệ. Nông dân và doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ phá sản”, đại diện Vinacam nhấn mạnh.

Kiến nghị làm rõ trách nhiệm vụ sầu riêng dư lượng Cadimi
Vinacam nghi vấn phân bón DAP Hàn Quốc khiến sầu riêng Việt bị từ chối tại Trung Quốc. Ảnh minh họa

Doanh nghiệp cho rằng đã có dấu hiệu buông lỏng quản lý, che giấu thông tin, thậm chí "coi việc này là chuyện nội bộ của doanh nghiệp", khi kết quả tái kiểm tra Cadimi trong lô phân bị thu hồi không được công bố minh bạch. Hiện tại, không chỉ sầu riêng mà nhiều loại nông sản khác cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng do cùng sử dụng loại phân bón DAP này.

Trước tình hình đó, Vinacam kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành liên quan công bố công khai kết quả kiểm định hàm lượng Cadimi đối với các mẫu phân bón DAP thu thập từ tháng 8/2023, đồng thời làm rõ quy trình xử lý với lượng phân đã thu hồi và lượng còn tồn trên thị trường.

Ngoài ra, tập đoàn này cũng kiến nghị sớm có phương án kiểm tra dư lượng Cadimi trong các loại nông sản xuất khẩu khác, đặc biệt là tại các vùng canh tác có sử dụng nhiều phân DAP nhập khẩu từ Hàn Quốc. “Chúng tôi sẵn sàng cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan nếu được các cơ quan chức năng yêu cầu”, văn bản của Vinacam nêu rõ.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, Cadimi là kim loại nặng độc hại, tích lũy trong đất và dễ xâm nhập vào nông sản thông qua quá trình hấp thụ dinh dưỡng. Dù có mặt tự nhiên trong một số loại đất, hàm lượng Cadimi lại tăng đột biến khi sử dụng phân bón có nguồn gốc từ quặng phốt phát, đặc biệt là quặng khai thác tại Morocco – nơi có hàm lượng Cadimi cao.

Hiện nay, phân bón DAP nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu từ Trung Quốc, Australia, Nga và Hàn Quốc, trong đó sản phẩm từ Hàn Quốc được tiêu thụ nhiều nhất nhờ giá cả cạnh tranh. Tuy nhiên, theo Vinacam, chính loại phân từ nhà máy Namhae đang bị nghi là “thủ phạm” gây nhiễm Cadimi cho trái sầu riêng.

Vấn đề Cadimi trong sầu riêng từng được các đơn vị quản lý thị trường chú ý từ năm 2020, khi một số mẫu DAP được gửi đi kiểm định và phát hiện vượt ngưỡng cho phép. Tuy nhiên, đến nay, cơ chế kiểm soát và công khai thông tin vẫn chưa rõ ràng, dẫn đến hậu quả là hàng nghìn container sầu riêng bị trả về, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín nông sản Việt Nam.

Vinacam cũng đề nghị các cơ quan chuyên môn sớm có khuyến cáo rõ ràng để người dân có hướng xử lý phù hợp với những lô sầu riêng đã bị trả lại do nhiễm Cadimi, tránh thiệt hại thêm cho nông dân và doanh nghiệp.

Theo Công Thành (SHTT)