Thị trường chứng khoán tuần qua chứng kiến nhiều phiên giảm mạnh sau khi Mỹ công bố mức thuế đối ứng, khiến VN-Index mất tổng cộng 106,79 điểm trong hai phiên 3 - 4/4/2025, đóng cửa tuần tại 1.210,67 điểm - mức thấp nhất kể từ tháng 11/2024.
Rung chuyển vì “bão” thuế quan của Mỹ
Theo ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI), mức thuế 46% là con số gây bất ngờ và lớn hơn nhiều so với kỳ vọng trước đó của nhà đầu tư. Điều này có thể khiến các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là các ngành như dệt may, da giày, gỗ, thép và điện tử gặp khó khăn lớn, vì đây là những lĩnh vực có kim ngạch xuất khẩu lớn sang Mỹ.
Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng ngay lập tức phản ứng tiêu cực, với áp lực bán mạnh ở các nhóm ngành xuất khẩu chủ lực. Trong ngày 3/4, VN-Index có thời điểm giảm hơn 80 điểm, tương đương hơn 6% so với phiên trước.
Tuy nhiên, ông Ngọc cho rằng đây chỉ là một áp lực tạm thời và nếu Chính phủ có những biện pháp ứng phó phù hợp, tâm lý thị trường sẽ dần ổn định. Những tác động thực sự lên doanh nghiệp sẽ cần thời gian để phản ánh vào kết quả kinh doanh, vì vậy nhà đầu tư không cần quá lo lắng về những biến động trong ngắn hạn. Thay vào đó, nhà đầu tư có thể tìm kiếm cơ hội từ những ngành ít bị ảnh hưởng và có triển vọng tăng trưởng tốt trong bối cảnh hiện tại, như bán lẻ, công nghệ, ngân hàng và tiêu dùng nội địa.
Bên cạnh đó, dù gặp phải tác động tiêu cực từ thuế quan, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có nhiều yếu tố nội tại hỗ trợ trong dài hạn. Cụ thể, kỳ vọng vào tăng trưởng kinh tế cao, việc thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, đẩy mạnh đầu tư công, và duy trì mặt bằng lãi suất thấp đều là những yếu tố tích cực cho thị trường. Ngoài ra, sự hồi phục của doanh nghiệp cũng sẽ góp phần tạo ra sức mạnh bền vững cho thị trường.
Thêm nữa, thị trường chứng khoán vẫn đang kỳ vọng vào khả năng nâng hạng trong thời gian tới và sự vận hành chính thức của hệ thống giao dịch chứng khoán KRX (Korea Exchange). Những yếu tố này có thể mang lại những cơ hội lớn cho thị trường trong dài hạn, đặc biệt nếu có tín hiệu tích cực từ các cuộc đàm phán thương mại quốc tế.
“Trong bối cảnh này, nhà đầu tư cần theo dõi các động thái từ Chính phủ và thị trường quốc tế. Nếu có tín hiệu tích cực từ đàm phán thương mại, thị trường sẽ sớm phục hồi”, chuyên gia Đỗ Bảo Ngọc khuyến nghị.
Kịch bản nào đang chờ đợi thị trường tuần tới?
Theo nhóm chuyên gia Chứng khoán Asean (AseanSC), tuần vừa qua, thị trường chứng khoán đã chứng kiến đà giảm mạnh sau khi thông tin về thuế quan của Tổng thống Trump được công bố. Khối lượng giao dịch tăng mạnh nhưng chỉ số lại suy giảm so với tuần trước, cho thấy áp lực bán tháo là rất lớn. Các chỉ báo xu hướng như EMA đã chuyển sang tiêu cực, khi chỉ số đang nằm dưới các đường EMA 20 và EMA 50. Đồng thời, động lượng thị trường cũng giảm mạnh, khi các chỉ báo như MACD và RSI đều cho tín hiệu giảm và tiến đến vùng quá bán.
Dựa trên những yếu tố này, chuyên gia Chứng khoán Asean đưa ra hai kịch bản có thể xảy ra trong thời gian tới. Cụ thể, với kịch bản khả quan (với xác suất 65%), cho rằng thị trường có thể hồi phục trở lại sau đà bán tháo mạnh trước đó, khi rất nhiều mã cổ phiếu đã về vùng định giá hấp dẫn. Những mã cổ phiếu đã giảm sâu sẽ trở thành cơ hội cho nhà đầu tư, khi thị trường lấy lại cân bằng và điều chỉnh tích cực.
Trong khi đó, kịch bản kém khả quan (với xác suất 35%), lại cảnh báo về một khả năng tiếp tục điều chỉnh sâu hơn nếu các cuộc đàm phán về thuế quan không đạt được kết quả tích cực. Trong trường hợp đó, thị trường có thể tiếp tục giảm sâu và rơi về các mốc hỗ trợ 1.150 và 1.000 điểm. Áp lực bán có thể gia tăng, đặc biệt trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới chưa rõ ràng.
“Nhà đầu tư cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường và đưa ra quyết định phù hợp với chiến lược đầu tư của mình, lựa chọn tối ưu giữa hai kịch bản để đảm bảo hiệu quả đầu tư trong giai đoạn đầy biến động này”, chuyên gia AseanSC khuyến nghị.
Dưới góc nhìn lạc quan, chuyên gia Chứng khoán VCBS kỳ vọng vào kịch bản hồi phục kỹ thuật trong thời gian tới, đặc biệt là sau kỳ nghỉ lễ. Theo VCBS, diễn biến thị trường tuần qua chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ thông tin về thuế quan từ Mỹ, đồng thời, khả năng đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ đang thu hút sự chú ý. Phiên giao dịch giảm mạnh kỷ lục đã khiến các cổ phiếu rơi về mức chiết khấu sâu, điều này đã kích hoạt lực cầu quay trở lại, đặc biệt là các nhà đầu tư tìm cơ hội bắt đáy. Nhóm cổ phiếu được chú ý đầu tiên là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, khi các mã này thường có tính thanh khoản tốt và được kỳ vọng sẽ hồi phục nhanh chóng.
“Với nhà đầu tư đã hạ tỷ lệ danh mục xuống thấp và không sử dụng vay ký quỹ, có thể giải ngân thăm dò vị thế đối với nhóm cổ phiếu bluechips, hạn chế tham gia các nhóm ngành ảnh hưởng trực tiếp từ mức thuế tăng”, báo cáo VCBS nhấn mạnh.
Ở chiều ngược lại, chuyên gia Chứng khoán MBS nhận định, trong ngắn hạn, thị trường khó có thể phục hồi nhanh chóng. Bên cạnh tác động từ dư âm của "cú sốc thuế quan", thị trường còn phải đối mặt với các yếu tố rủi ro khác như yếu tố mùa vụ tháng 4-5 và tỷ giá.
"Chúng tôi đã điều chỉnh dự báo mục tiêu VN-Index trong năm 2025 xuống mức 1.350 – 1.380 điểm, do giảm kỳ vọng vào tăng trưởng lợi nhuận của thị trường", chuyên gia MBS cho biết.
Thị trường chứng khoán trong tuần từ 31/3 đến 4/4 đã có sự hồi phục nhẹ trong ba phiên đầu tuần, sau khi chạm ngưỡng hỗ trợ 1.300-1.310 điểm. Tuy nhiên, vào phiên giao dịch ngày thứ Năm (4/4), sau khi thông tin Tổng thống Donal Trump ký sắc lệnh áp thuế đối ứng với hàng hóa từ nhiều nền kinh tế, trong đó có Việt Nam, với mức thuế suất lên tới 46%, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua một phiên bán tháo mạnh mẽ.
Chỉ trong một ngày, VN-Index giảm tới gần 88 điểm, tương đương với 6.68%. Đà giảm tiếp tục kéo dài vào phiên giao dịch ngày thứ Sáu, khi VN-Index có lúc giảm sâu hơn 70 điểm. Tuy nhiên, lực cầu đã dần quay trở lại và giúp chỉ số thu hẹp mức giảm, kết thúc phiên cuối tuần chỉ còn giảm 19.17 điểm.
Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm tổng cộng 106.79 điểm, tương đương -8.11%. Hầu hết các nhóm ngành đều chịu ảnh hưởng nặng nề và phải đối mặt với áp lực bán tháo mạnh, đặc biệt là những nhóm bị tác động trực tiếp từ thông tin thuế quan như: Bất động sản khu công nghiệp, cảng biển và xuất khẩu.
Đồng thời, khối ngoại cũng gia tăng bán ròng đáng kể, với tổng giá trị lên đến hơn 7.000 tỷ đồng trong tuần.
Theo Đông Hà (Báo Thanh Tra)