Đây là sự việc xảy ra rất nhiều thời gian gần đây, thậm chí, nhiều người đã chặn số điện thoại này thì các đối tượng đòi nợ lại sử dụng số điện thoại khác gọi điện để làm phiền. Hơn nữa, các đối tượng này còn đe doạ, uy hiếp và xúc phạm các thuê bao.
Không chỉ vậy, nhiều người còn bị các đối tượng chế ảnh đăng lên Facebook, Zalo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm hay đăng thông tin cá nhân lên các trang web khác... khiến cuộc sống ảnh hưởng rất nhiều.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 466 Bộ luật Dân sự, người vay tiền có nghĩa vụ phải trả đủ tiền khi đến hạn. Đồng thời, nếu hai bên thoả thuận việc vay vốn có lãi thì bên vay phải trả đủ cả gốc và lãi theo đúng thời gian đã quy định trừ trường hợp có quy định khác.
Điều này cũng có nghĩa là, nếu một người không vay tiền thì không có nghĩa vụ phải trả nợ.
Cách xử lý khi bị app "đen" khủng bố điện thoại dù không vay tiền
Hiện tượng không vay tiền nhưng vẫn bị các app đòi nợ không hiếm gặp. Bằng nhiều thủ đoạn, đặc biệt là gọi điện khủng bố, các app này liên tục làm phiền các nạn nhân.
Theo quy định tại điểm g khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, khi sử dụng điện thoại để đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác, các app cho vay tiền có thể bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.
Bởi đây là hành vi vi phạm pháp luật nên khi bị gọi điện làm phiền, khủng bố tinh thần, nạn nhân có thể thực hiện biện pháp sau đây:
Trước hết, người bị làm phiền cần phải giải thích rõ ràng cho người gọi điện nếu không vay hoặc không quen với người vay các khoản nợ từ các app cho vay tiền online.
Khi nói chuyện với nhân viên của các app vay vốn này, người bị làm phiền cần phải hỏi rõ thông tin của app vay vốn. Đồng thời, yêu cầu người gọi điện đòi nợ làm phiền mình cung cấp các chứng từ, hợp đồng, thông tin về việc vay nợ của mình.
Nếu có thể, khi nghe các cuộc điện thoại đòi nợ, các nạn nhân có thể bật ghi âm cuộc gọi hoặc lưu lại tin nhắn để làm bằng chứng nếu sau này cần cung cấp cho cơ quan chức năng.
Ngoài ra, khi không vay tiền mà bị gọi điện đòi nợ làm phiền, nạn nhân có thể chặn cuộc gọi, tin nhắn làm phiền bằng các ứng dụng sẵn có trên điện thoại của mình.
Lưu ý: Tuyệt đối không cung cấp các thông tin của mình cho các đối tượng gọi điện đòi nợ như: Thông tin về giấy tờ tuỳ thân, quan hệ gia đình, đồng nghiệp, bạn bè, nơi làm việc, sinh sống...
Nếu thường xuyên bị 'khủng bố', mọi người có thể tố cáo đến cơ quan chức năng
Nếu tình trạng bị làm phiền kéo dài thậm chí đến mức bị khủng bố điện thoại, nạn nhân có thể trình báo cơ quan công an nơi cư trú về việc bị làm phiền, khủng bố điện thoại đòi nợ dù không vay tiền theo thủ tục dưới đây:
Cơ quan tiếp nhận thông tin là công an cấp xã nơi người bị khủng bố điện thoại cư trú.
Theo khoản 1 Điều 7 Thông tư 28/2020/TT-BCA và khoản 1 Điều 1 Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi năm 2021, công an cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tin báo về tội phạm kèm tài liệu, đồ vật liên quan cho cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Do đó, nạn nhân bị khủng bố điện thoại có thể gửi đơn tố cáo tội phạm đến công an cấp xã. Cơ quan này sẽ xác minh sơ bộ ban đầu và chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Hồ sơ cần nộp
Nạn nhân bị các app "đen" khủng bố điện thoại dù không vay tiền cần chuẩn bị các giấy tờ, hồ sơ sau đây:
- Đơn tố cáo: Trong đơn cần nêu rõ các thông tin: Ngày tháng năm tố cáo; họ tên và địa chỉ cũng như cách thức liên hệ của người tố cáo; nội dung tố cáo (hành vi khủng bố điện thoại của các app cho vay tiền...).
- Các giấy tờ, chứng cứ chứng minh việc bản thân không vay tiền và bị làm phiền, khủng bố điện thoại: Ghi âm cuộc gọi, tin nhắn đe doạ, thông tin về các app cho vay tiền kèm các số điện thoại gọi điện khủng bố...
Khi thấy có dấu hiệu tội phạm, cơ quan công an có thẩm quyền sẽ tiến hành điều tra, xác minh, làm rõ và xử lý nghiêm minh.
PN (Nguoiduatin.vn)