Câu chuyện tưởng như nghịch lý này được ông Cáp Trọng Cường - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Container Việt Nam (VICONSHIP) chia tại tọa đàm giữa tuần qua do Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) tổ chức.
"Chúng tôi có hạ tầng, nhân lực, quy trình, có sự tin tưởng từ phía đối tác nước ngoài nhưng thực tế chúng tôi vẫn đang làm thuê cho họ", ông Cường cho hay.
Lãnh đạo doanh nghiệp này cũng chỉ ra điểm yếu của doanh nghiệp logistics Việt Nam. Đó là tính hỗ trợ, liên kết của các DN rất yếu. Trên thị trường có nhiều DN vốn hóa lớn, mạng lưới tương đối tốt nhưng tính tương hỗ giữa các DN không cao. Đây là một trong những điều làm cho logistics Việt Nam chưa phát triển thực sự đúng với tầm quan trọng của nó.
"Đây cũng chính là điều làm chi phí logistics của Việt Nam rất cao. Có nghịch lý là chúng ta cạnh tranh với nhau để phục vụ bạn hàng nước ngoài, đưa ra giá thấp để giành giật khách hàng. Nhưng chúng ta lại chào doanh nghiệp Việt Nam với giá logistics nội địa cao hơn", ông Cường nhấn mạnh.
Nói về lĩnh vực cảng biển, lãnh đạo DN này bày tỏ "cảm thấy xấu hổ" vì Việt Nam là vùng trũng thấp nhất thế giới về giá xếp dỡ cảng biển, thua cả Campuchia và Myanmar.
Vì thế, đại diện VICONSHIP cho rằng các DN phải liên kết cùng nhau để đưa ra những bài toán hợp lý nhất, hỗ trợ lẫn nhau thiết thực nhất để tất cả cùng giảm chi phí. Trong đó, phải thay đổi về công nghệ để đáp nhu cầu của thị trường, hướng tới môi trường xanh phù hợp với xu thế của thời đại.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết: Số lượng doanh nghiệp và chất lượng kinh doanh dịch vụ logistics ngày càng tăng lên, đóng góp không nhỏ đưa kết quả xuất nhập khẩu hàng hóa đạt mức cao nhất từ trước đến nay là 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm 2021.
Theo đánh giá của Agility năm 2022, Việt Nam được xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu.
Tuy nhiên, ông Hải đánh giá, ngành logistics Việt Nam vẫn còn nhiều điểm yếu như chi phí logistics còn cao; thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp dịch vụ logistics với nhau và với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Thêm vào đó, quy mô và tiềm lực về tài chính của các doanh nghiệp logistics Việt Nam còn yếu, việc tiến ra thị trường nước ngoài chưa đáng kể.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, lần đầu tiên tại Việt Nam, Triển lãm Quốc tế Logistics Việt Nam (tên viết tắt VILOG) được tổ chức.
Triển lãm sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 10-12/8 tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị TP.HCM (SECC), 799 Nguyễn Văn Linh, quận 7, TP.HCM. Đây sẽ là cơ hội lớn để các doanh nghiệp dịch vụ logistics trong nước và quốc tế cũng như cộng đồng các nhà đầu tư, doanh nghiệp chủ hàng và các bên liên quan khác giao lưu, hợp tác, tư vấn và lựa chọn các giải pháp nhằm tối ưu hoá quy trình logistics của doanh nghiệp.
Theo Lương Bằng (VietNamNet)