Không theo xu hướng toàn cầu, nhiệt điện than gặp khó

16/09/2021 09:17:46

Việc huy động vốn cho các dự án nhiệt điện than từ các tổ chức tài chính công cũng như tư nhân đã trở nên ngày càng khó khăn, xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Theo dự thảo mới của Bộ Công Thương, tổng công suất đặt nguồn điện đến năm 2030 sau khi rà soát là 130.371 MW, giảm 7.688 MW so với phương án đưa ra hồi tháng 3 tại Tờ trình 1682/TTr-BCT về việc phê duyệt Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).

Xét về các loại hình năng lượng, Bộ Công Thương cho biết, vẫn ưu tiên phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới. Tuy nhiên, ở dự thảo mới, năng lượng điện gió trên bờ và gần bờ sẽ chỉ còn 11.820 MW, giảm 4.190 MW; điện gió ngoài khơi giảm khoảng 2.000 MW; điện sinh khối và năng lượng tái tạo khác giảm 1.980 MW về mức 1.170 MW... Đáng chú ý, nguồn điện than sẽ tăng thêm khoảng 3.076 MW so với Tờ trình số 1682, lên mức 40.649 MW. Như vậy, tỉ lệ các nguồn điện than tăng từ 27,2% lên 31% tổng công suất đặt các nguồn điện.

Không theo xu hướng toàn cầu, nhiệt điện than gặp khó
Theo Tờ trình số 1682, tỉ lệ các nguồn điện than tăng từ 27,2% lên 31% tổng công suất đặt các nguồn điện đạt mức 40.649 MW.

Phản hồi về dự thảo này, Hội đồng Năng lượng gió Toàn cầu (GWEC) cho rằng, một số dự án sẽ phải chuyển tiếp từ Quy hoạch điện VII sang Quy hoạch điện VIII là do những khó khăn về tiến độ cũng như khả năng huy động vốn, đặc biệt là các dự án nhiệt điện than. Trong thời gian gần đây, việc huy động vốn cho các dự án nhiệt điện than từ các tổ chức tài chính công cũng như tư nhân đã trở nên ngày càng khó khăn, xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Có thể kể đến như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cam kết ngừng cấp vốn cho các dự án than, khí và dầu vào tháng 5/2021; Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) dừng đầu tư vào điện than cho các khoản đầu tư năng lượng tại nước ngoài; Ngân hàng Thế giới đưa ra các quy tắc về khí hậu để giảm việc đầu tư vào than.

Với các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Standard Chartered dừng đầu tư các dự án than tại Đông Nam Á, bao gồm dự án Vĩnh Tân 3 và Vũng Áng 2; có 3 ngân hàng lớn nhất của Singapore (DBS, OCBC, UOB) cam kết dừng đầu tư các dự án than tại Đông Nam Á từ năm 2019; Ngân hàng Sumitomo Mitsui và Mizuho của Nhật Bản dừng đầu tư các dự án điện than trong nước vào năm 2019; Nhóm Mitsubishi UFJ (MUFJ) và HSBC rút khỏi dự án Vĩnh Tân 3…

Do đó GWEC nhận định, nhiều khả năng các dự án nhiệt điện than trong Quy hoạch Điện VII sẽ khó có khả năng giải quyết được các vấn đề về tiến độ, kể cả khi được chuyển tiếp sang Quy hoạch Điện VIII, đặc biệt trong bối cảnh châu Á cũng đang chuyển dịch sang hướng giảm phát thải tiến tới trung hòa carbon trong tương lai gần.

Nhiên liệu của quá khứ không còn là xu hướng

Kể từ Thỏa thuận Paris năm 2015, số dự án điện than được đề xuất đã giảm 76%, mang đến tia hy vọng về việc chấm dứt xây dựng các nhà máy điện than mới. Hiện nay, 44 quốc gia đã cam kết không xây dựng thêm nhà máy điện than mới và 40 quốc gia khác hiện cũng đang sẵn sàng làm như vậy sau khi hủy bỏ các dự án nhà máy điện than được đề xuất trước đó.

Một báo cáo về môi trường của Liên Hợp quốc mới đây cũng cảnh báo, chỉ cần có hành động của 6 quốc gia cũng có thể giúp loại bỏ 82% dự án điện than đang trong quá trình tiền xây dựng còn lại trên thế giới. Trong đó, chỉ riêng Trung Quốc đã chiếm 55% số dự án toàn cầu, tiếp theo là Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ và Bangladesh.

Theo ông Chris Littlecott, Phó Giám đốc tổ chức nghiên cứu về biến đổi khí hậu E3G, sự suy giảm của các dự án và sự gia tăng các cam kết của chính phủ về không xây dựng thêm nhà máy điện than mới đang song hành cùng nhau. Trước thềm COP26, các chính phủ có thể cùng nhau xác nhận kế hoạch chuyển đổi từ than đá sang năng lượng sạch.

“Điện than ngày càng kém cạnh tranh hơn so với năng lượng tái tạo về phương diện kinh tế, trong khi rủi ro về tài sản bị mắc kẹt tăng lên. Các chính phủ hiện có thể tự tin hành động để cam kết không có điện than mới”, ông Chris Littlecott nói.

Giám đốc nghiên cứu tại E3G - ông Leo Roberts cũng cho biết, quá trình chuyển đổi cơ cấu của ngành điện toàn cầu đang tăng tốc, với việc các quốc gia ngày càng tránh sản xuất điện bằng than đá vì họ nhận ra rằng than là nhiên liệu của quá khứ.

“40 quốc gia cam kết không có dự án điện than mới hiện có thể nằm chung nhóm với những quốc gia đã cam kết kể từ Thỏa thuận Paris. Những quốc gia vẫn đang cân nhắc về các nhà máy điện mới nên khẩn trương nhận ra sự chuyển dịch toàn cầu khỏi điện than là điều không thể tránh khỏi, tránh sai lầm gây tốn kém khi xây dựng các dự án mới”, ông Leo Roberts cảnh báo.

Không theo xu hướng toàn cầu, nhiệt điện than gặp khó - 1
Điện than ngày càng kém cạnh tranh hơn so với năng lượng tái tạo về phương diện kinh tế.

Theo Giám đốc Chương trình tại Tổ chức Giám sát Năng lượng toàn cầu (Global Energy Monitor) - bà Christine Shearer, các nhà máy điện than mới không phù hợp với Thỏa thuận Paris về khí hậu quốc tế. Các cơ quan khoa học hàng đầu thế giới đều nhận định rõ ràng: Điện than về cơ bản cần phải được loại bỏ dần trong 2 Thập kỷ tới để ngăn chặn biến đổi khí hậu lên tới mức nguy hiểm.

“Các cuộc đàm phán về khí hậu sắp tới là thời điểm và cơ hội để các nhà lãnh đạo thế giới xích lại gần nhau, cùng cam kết hướng tới một thế giới không có nhà máy điện than mới, phù hợp với những yêu cầu của giới khoa học”, bà Christine Shearer cho biết.

Nghị sĩ Alok Kumar Sharma - Chủ tịch COP26 nhận định, Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) vào tháng 11 năm nay sẽ là hội nghị khiến điện than trở thành dĩ vãng.

“Đây là thời điểm quan trọng để chứng minh động lực loại bỏ điện than mới, để các quốc gia giàu có hơn viện trợ cho các quốc gia khác hướng tới một tương lai không có điện than”, nghị sĩ ông Alok Kumar Sharma quả quyết./.

Theo Nguyễn Quỳnh (Vov.vn)

Nổi bật