Nếu giữ nguyên như hiện nay, mà tăng lương thì nền kinh tế không chịu đựng nổi; doanh nghiệp thì còng lưng, còn nông dân thì gãy lưng. Thứ hai, phải thanh lọc “bộ phận không nhỏ” suy thoái ra khỏi bộ máy mới có cơ hội thu hút người tài, bởi nếu không, bộ phận không nhỏ này sẽ tái diễn COCC (con ông cháu cha –PV)”, PGS –TS Võ Trí Hảo, quyền Trưởng khoa Luật (Đại học Kinh tế TP.HCM) nói khi trao đổi với PV Dân Việt.
Thưa ông, sắp tới tại Hội nghị T.Ư 7 khóa XII, đề án cải cách tiền lương sẽ được trình và cho ý kiến, một trong những quan điểm của đề án được nêu rõ “tiền lương phải là thu nhập chính” bảo đảm đời sống cho người lao động và gia đình, nếu đạt được mục tiêu này thì đội ngũ cán bộ, công chức sẽ yên tâm, toàn tâm, toàn ý cho công việc?
- Điều này vô cùng cần thiết để bảo đảm cho một nhà nước liêm chính, một chính phủ kiến tạo. Trong thời chiến, toàn dân tộc hy sinh để giành độc lập, không so đo. Nay hòa bình, kinh tế thị trường, doanh nhân giàu lên trông thấy, phải đến lúc chấm dứt tư duy đòi hỏi người cán bộ, công chức hy sinh mọi lúc, mọi nơi một cách thiếu công bằng. Sau khi loại bỏ “bộ phận không nhỏ”, không đủ tài, đức, những cán bộ, công chức có tài đức còn lại cần phải được hưởng thu nhập xứng đáng với tài đức của họ; phải có thu nhập đàng hoàng. Thu nhập đàng hoàng theo hai nghĩa: nghĩa thứ nhất: thu nhập phải minh bạch, chính đáng; nghĩa thứ hai: thu nhập này phải nuôi sống gia đình một cuộc sống đàng hoàng; không để cảnh chồng suốt ngày “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” mang lại thịnh vượng chung cho cả cộng đồng, nhưng vợ con mình lại đói rách.
Điều này đặc biệt cần thiết đối với công chức giữ vị trí cao cấp. Ví dụ như Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đủ tài năng để quản lý gần cả trăm ngân hàng, bảo đảm cho chính sách tiền tệ, hối đoái, tài chính quốc gia lành mạnh. Tài năng và trách nhiệm của Thống đốc cần phải như một siêu CEO (Giám đốc điều hành); cụ thể là như một CFO (Giám đốc tài chính) của một siêu công ty có 90 triệu cổ đông, doanh thu 100 tỷ USD; thì song song với đòi hỏi đó, thù lao của ông Thống đốc cần phải tương xứng với thù lao của một CFO của một tập đoàn trăm tỷ USD.
Xin chia sẻ kinh nghiệm của Singapore, hàng năm họ lấy mức lương của CEO của 6 lĩnh vực có thu nhập cao nhất trên toàn quốc, cộng lại chia trung bình ra mức lương của bộ trưởng năm tương ứng.
Ở nước ta, mức lương bộ trưởng, theo ngạch bậc chưa bằng ½ lương giám đốc chi nhánh ngân hàng, nói chi đến mức lương của Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT ngân hàng. Nếu chúng ta tiếp tục đòi hỏi bộ trưởng của ta giỏi như bộ trưởng của Singapore, mà lại muốn trả lương cho bộ trưởng theo tiêu chuẩn Châu Phi thì đó là một đòi hỏi “tham sân si” và “bát khổ” sẽ đến với dân tộc đó.
Một trong những nội dung của đề án có nói mức lương quy định bằng con số tuyệt đối thay cho quy định hệ số lương nhân với mức lương cơ sở theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, theo ông đây có phải là thay đổi có tính bước ngoặt?- Theo tôi đánh giá, đây là thay đổi mang tính bước ngoặt. Việc từ bỏ cách trả lương theo thâm niên, chuyển sang nguyên tắc trả lương theo vị trí việc làm và kết quả công việc đã là sự thay đổi mang tính cách mạng. Còn việc triển khai nó là vấn đề kỹ thuật; cần phải tiếp tục hoàn thiện như phần tôi trao đổi tiếp theo ở dưới đây.
Theo tôi, ngoài việc trả lương theo vị trí việc làm thay vì ngạch bậc, thâm niên. Thì cần phải bổ sung hai nguyên tắc nữa: Thứ nhất, bên cạnh mức lương cứng đủ sống, thì cần có phần thu nhập tăng thêm phụ thuộc vào số lượng và hiệu quả công việc của năm liền trước, phải gắn mức thu nhập tăng thêm này với các chỉ số phát triển quốc gia, chỉ số phát triển địa phương. Ở phạm vi quốc gia thì mức thu nhập tăng thêm phải tỷ lệ thuận với tỷ lệ tăng GDP; ở phạm vi địa phương thì phải bổ sung chỉ số CPI, PAPI; tránh cào bằng giữa các bộ ngành, giữa các địa phương như hiện nay.
Thứ hai, để tránh chảy máu chất xám, mức lương ở khu vực công phải được tính toán theo nguyên tắc “bình thông nhau” với khu vực tư; tiến tới khả năng thu hút nhân tài từ khu vực tư vào phụng sự trong khu vực công như Singapore đã làm được.
Để cho đơn giản thì hãy hình dung nhà nước như một siêu công ty gồm 90 triệu cổ đông đặc thù, mỗi người có một phiếu biểu quyết ngang nhau, thì thù lao của bộ máy quản trị công ty phải và chỉ được trả tương xứng vào kết quả công việc mà họ mang lại, tỷ lệ thuận với “cổ tức” mà cổ đông nhận được. Dĩ nhiên “cổ tức” trong siêu công ty này không chỉ là tiền, mà hàng loạt giá trị vô hình khác như giáo dục, y tế, công lý, an ninh quốc gia, an toàn xã hội… nên khó lượng hóa cụ thể. Tuy nhiên, khi người dân còn cảm thấy bất an, thiệt thòi thì không có lý do gì để bộ máy quản trị đòi tăng lương cả; ai mang lại nhiều phúc lợi cho dân nhất, thì người đó cần được hưởng thù lao cao nhất.
Có ý kiến cho rằng, để thực hiện được cải cách tiền lương cho đội ngũ cán bộ công chức phải vượt qua được rào cản lớn nhất là tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy, tổ chức?
- Như tôi nói ở trên, điều kiện tiên quyết là phải: Thứ nhất, giảm quy mô tổng số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách. Nếu giữ nguyên như hiện nay, mà tăng lương thì nền kinh tế không chịu đựng nổi; doanh nghiệp thì còng lưng, còn nông dân thì gãy lưng. Thứ hai, phải thanh lọc “bộ phận không nhỏ” suy thoái ra khỏi bộ máy, may ra mới có cơ hội thu hút người tài, bởi nếu không, bộ phận không nhỏ này sẽ tái diễn COCC.
Thứ ba, phải cắt giảm các bộ phận không tham gia cung ứng dịch vụ công cho nhân dân. Thứ tư, không nên đi theo tư duy cơ học là cắt giảm được bao nhiêu chỉ tiêu biên chế; mà phải đi theo tư duy: đạt được thương số tối ưu giữa tổng chi ngân sách cho mỗi đơn vị/ tổng dịch vụ công mà đơn vị đó cung cấp. Nếu theo tư duy này, thì người dân không cần quan tâm bộ máy phình hay giảm nữa, mà chỉ quan tâm tổng thuế phí họ bỏ ra và tổng phúc lợi dịch vụ họ nhận về. Lãnh đạo các đơn vị tự khác sẽ cầu hiền, đãi sĩ, chủ động tìm kiếm công nghệ quản trị mới, ứng dụng công nghệ thông tin; biên chế dư thừa, người kém năng lực sẽ bị thải loại một cách tự nhiên.
Xin cảm ơn ông (!)
Mục tiêu của đề án cải cách tiền lương nhằm xây dựng chế độ tiền lương mới, dự kiến thực hiện từ năm 2021, gắn với lộ trình cải cách hành chính, tinh giản biên chế; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập. Xác định mức tiền lương thấp nhất của khu vực công (là mức tiền lương của người làm công việc yêu cầu trình độ đào tạo trung cấp) từ năm 2021 bảo đảm không thấp hơn mức lương thấp nhất của khu vực doanh nghiệp.
Về nội dung cải cách, đề án chỉ rõ trong khu vực công, những công việc thừa hành, phục vụ (yêu cầu trình độ dưới trung cấp) thực hiện thống nhất chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động (hoặc hợp đồng cung cấp dịch vụ), không áp dụng bảng lương công chức, viên chức.
Đề án đưa ra thiết kế cơ cấu tiền lương và tiền thưởng mới gồm: Mức lương cơ bản chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương; các khoản phụ cấp chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương; tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ lương.
Theo Lương Kết (Dân Việt)