Nguồn tin riêng của chúng tôi cho biết, Bộ Công Thương đã có quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kho nhôm “khủng” nghi nguồn gốc Trung Quốc ở Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đoàn kiểm tra sẽ làm việc với Công ty Nhôm Toàn cầu Việt Nam có trụ sở tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về tình hình xuất khẩu, nhập khẩu mặt hàng nhôm của Công ty này từ năm 2013 đến năm 2016.
Ngoài ra, đoàn cũng làm việc với các cơ quan, tổ chức có liên quan để xác minh về tình hình xuất khẩu, nhập khẩu mặt hàng nhôm của Nhôm Toàn cầu Việt Nam.
Kho nhôm ở Bà Rịa - Vũng Tàu được kiểm tra để xác minh nguồn gốc. |
Trước đó, như VietNamNet đã đưa tin, việc kiểm tra này là thực hiện theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhằm làm rõ thông tin về vận chuyển nhôm có nguồn gốc Trung Quốc vào Việt Nam.
Bộ Công Thương cho hay: Đây là hoạt động chuyên môn bình thường trong công tác quản lý xuất nhập khẩu nhằm đảm bảo quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các nước được diễn ra một cách bình đẳng, minh bạch, phù hợp với các cam kết quốc tế và đáp ứng lợi ích của Việt Nam, qua đó hoàn thiện chính sách và phục vụ công tác điều hành xuất nhập khẩu được tốt hơn.
Mới đây, Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu các cục hải quan tỉnh, thành phố, nhằm tăng cường công tác kiểm tra xuất xứ đối với mặt hàng nhôm nhập khẩu áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt.
Trong thời gian chờ kết quả xác minh, hàng hóa nhập khẩu không được áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt mà áp dụng theo mức thuế suất ưu đãi MFN.
Cuối năm 2016, báo Wall Street Journal đã có bài điều tra về 500.000 tấn nhôm đùn (để sản xuất nhôm) được chuyển từ San José Iturbide (Mexico) đến Việt Nam. Số nhôm xuất phát từ Mexico hiện ở Việt Nam có khả năng liên quan đến một trong những người giàu nhất Trung Quốc là ông Liu Zhongtian, chủ tịch Công ty nhôm China Zhongwang Holdings.
Hiện Công ty TNHH Nhôm toàn cầu Việt Nam đang đầu tư nhà máy sản xuất nhôm định hình. Dự án này do hai người gốc Trung Quốc, quốc tịch Úc góp vốn làm chủ đầu tư. Đó là ông Jacky Cheung và ông Wang Tong.
Toàn bộ hàng hóa sản xuất ở nhà máy này được xuất khẩu, với quy mô 200.000 tấn/năm. Tổng vốn đầu tư của dự án gần 250 triệu USD.
Theo giấy phép đầu tư do Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp, thời hạn hoạt động của dự án là 37 năm, kể từ năm 2011.
Các công ty nhôm Trung Quốc, trong đó có tập đoàn China Zhongwang đã vướng phải nhiều nghi vấn về việc xuất nhôm sang các nước thứ ba như Mexico hay Việt Nam rồi dùng các công ty tại nước sở tại để tái xuất hàng sang Mỹ hay các thị trường bị áp thuế.
So với mức 374% cho nhôm Trung Quốc, nhôm Việt Nam xuất vào Mỹ chỉ phải chịu thuế 5%.
Theo Lương Bằng (VietNamNet)