BIDV đứng đầu hệ thống “hút” tiền trong dân
Nhiều ngân hàng TMCP đã công bố báo cáo tài chính quý III/2018. Theo đó, việc cạnh tranh nâng lãi suất tiền gửi để huy động vốn trong dân của các ngân hàng vẫn ngấm ngầm khi trong thời gian qua nhiều ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tiền gửi rất nhanh cùng với việc đưa lãi suất tiền gửi lên cao.
Trong 27 ngân hàng TMCP được thống kê trong hệ thống ngân hàng không kể ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), nếu tính về quy mô hiện ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đang dẫn đầu hệ thống với tổng số dư tiền gửi khách hàng đang gửi tại ngân hàng này là 953.512 tỷ đồng.
Trong 9 tháng đầu năm nay, khách hàng đã gửi vào BIDV 93.527 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng 10,9% so với cuối năm 2017. Tính bình quân mỗi ngày huy động được 346 tỷ đồng/ngày, khoảng hơn 10.000 tỷ đồng/tháng.
Tiếp đến là hai ngân hàng TMCP: Công Thương (Vietinbank) và Ngoại Thương (Vietcombank) có quy mô tiền gửi rất lớn trong hệ thống ngân hàng, với mức tăng trưởng lần lượt 9,7% và 9,2%, bình quân mỗi ngày Vietinbank huy động thêm được 270 tỷ đồng và Vietcombank huy động thêm được 223 tỷ đồng, đưa mức tổng dư nợ tiền gửi khách hàng của hai ngân hàng này lên tương ứng lần lượt là 825.749 tỷ đồng và 773.406 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) vẫn là ngân hàng đứng đầu nhóm ngân hàng cổ phần về quy mô tổng tài sản và quy mô tiền gửi khách hàng cho đến thời điểm này.
Cụ thể, trong 9 tháng qua, SCB đã huy động thêm được 25.846 tỷ đồng, tương ứng mỗi tháng tiền trong dân và các tổ chức kinh tế chảy vào ngân hàng này khoảng 2.870 tỷ đồng và đưa tổng số dư tiền gửi hiện là 372.248 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) tuy có lượng huy động trong 9 tháng qua cao hơn SCB khi ngân hàng này hút tiền gửi trong dân và tổ chức kinh tế thêm được 37.360 tỷ đồng, nghĩa là mỗi tháng hút thêm 4.150 tỷ đồng, gấp 1,5 lần SCB, nhưng so về quy mô tổng tiền gửi thì Sacombank vẫn đứng sau SCB và đuổi sát nút SCB cho đến thời điểm hiện nay khi tổng số dư tiền gửi là 372.248 tỷ đồng.
Như vậy, chỉ tính riêng 5 ngân hàng Top đầu có quy mô tiền gửi trên 300.000 tỷ đồng, gồm: BIDV, Vietinbank, Vietcombank, SCB và Sacombank thì tổng số dư tiền gửi của người dân và tổ chức kinh tế trong 5 ngân hàng này đang chiếm gần 60% trong 27 ngân hàng thống kê.
“Lao nhanh nhất đang là những con cá nhỏ”
Xét về tốc độ tăng trưởng huy động tiền gửi nhanh nhất lại thuộc về các ngân hàng cổ phần nhỏ.
Trong 9 tháng qua, ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank) đã có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tới 29,1% so với cuối năm 2017, tương ứng số tiền gửi khách hàng tăng thêm 11.584 tỷ đồng. Nếu so về quy mô thì mức tăng trong 9 tháng của NamABank chỉ tương đương mức tăng tiền gửi trong 01 tháng của BIDV vì NamABank là ngân hàng nhỏ.
Đứng thứ 2 về tốc độ tăng trưởng tiền gửi vào ngân hàng là ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCapitalbank) tăng 22,5%, tương ứng tăng thêm 6.090 tỷ đồng. Điều này cũng dễ hiểu vì thời gian qua Bản Việt nâng mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm gần như cao nhất hệ thống. Mức lãi suất tiền gửi mà ngân hàng này đã đưa ra là 8,6%/năm cho kỳ hạn 24 tháng và 8%/năm cho kỳ hạn 12 tháng.
Tiếp theo là ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank) cũng có tốc độ tăng trưởng nhanh khi đạt 19%, tương ứng tăng thêm 5.956 tỷ đồng. Đây cũng là ngân hàng có mức lãi suất huy động cao trong hệ thống khi lãi suất tiền gửi kỳ hạn 13 tháng là 8%/năm.
Có những ngân hàng nhỏ được ví như những "con cá nhỏ" có tốc độ hút tiền gửi trong dân và tổ chức kinh tế khá tốt thì vẫn có tới 4 ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tiền gửi khách hàng ghi nhận âm. Cụ thể là các ngân hàng TMCP: Bưu Điện Liên Việt (LienVietPostbank) tăng trưởng âm 0,6% (734 tỷ đồng); An Bình (ABBank) âm 0,9% (545 tỷ đồng); Tiên Phong (TPBank) âm 0,2% (140 tỷ đồng); Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) âm 1% (146 tỷ đồng) so với cuối năm 2017.
Thống kê 14 ngân hàng TMCP nhỏ có quy mô tiền gửi đang dưới 100.000 tỷ đồng, như: OCB, ABBank, NCB, TPBank, VietABank, Seabank, VIB…mới chỉ chiếm 13,6% tổng tiền gửi của 27 ngân hàng và có tổng mức 745.474 tỷ đồng, tương đương quy mô tiền gửi khách hàng của Vietcombank.
Với các ngân hàng TMCP tầm trung có quy mô từ trên 100.000 tỷ đồng đến khoảng 250.000 tỷ đồng như: Á Châu (ACB), Kỹ Thương (Techcombank), Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Sài Gòn – Hà Nội (SHBank), Quân Đội (MBBank), Xuất Nhập Khẩu (Eximbank)… có mức tăng trưởng phân hoá, chẳng hạn Eximbank chỉ tăng được 1,4% (1.628 tỷ đồng) nhưng VPBank lại tăng được tới 17,1% (22.891 tỷ đồng)…
Như vậy, tiền vẫn chảy vào ngân hàng khi trong 9 tháng đầu năm nay, 27 ngân hàng thống kê đã huy động được thêm 489.823 tỷ đồng trong dân và tổ chức kinh tế, đưa tổng quy mô tiền gửi lên gần 5,48 triệu tỷ đồng, tăng 9,8% so với cuối năm 2017, một mức tăng khả quan, trong đó tiền gửi dân cư luôn chiếm một tỷ lệ khoảng 50%.
Theo Lan Anh (Bizlive.vn)