* Bài viết thể hiện góc nhìn của tác giả, một chuyên gia tài chính từng làm việc nhiều năm ở Singapore, Nhật Bản.
Chạy theo xu hướng hơn là dẫn dắt
4 ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) có vốn Nhà nước gần đây đã điều chỉnh tăng khá mạnh lãi suất huy động áp dụng cho nhiều kỳ hạn.
Điển hình là Agribank đã điều chỉnh tăng tất cả lãi suất tiền gửi tiết kiệm ở nhiều kỳ hạn với mức tăng khoảng 0,2 đến 0,3 điểm phần trăm. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 1 tháng của ngân hàng này tăng từ mức 4,3%/năm lên 4,5%/năm; kỳ hạn 2 tháng tăng từ 4,2%/năm lên 4,5%/năm, kỳ hạn 3 tháng tăng từ 4,6%/năm lên 4,8%/năm; kỳ hạn 6 tháng tăng từ 5,3% lên 5,5%/năm.
Tương tự, Vietcombank vốn khá “bảo thủ” với lãi suất, cũng đã phải tham gia cuộc chơi, điều chỉnh tăng lãi suất kỳ hạn dưới 3 tháng thêm 0,1 điểm phần trăm lên 4,4%/năm. Kỳ hạn 3 và 6 tháng tăng 0,2 điểm phần trăm lên 4,8%/năm và 5,5%/năm.
Trước đó, VietinBank và BIDV đã sớm tăng lãi suất tiết kiệm tại nhiều kỳ hạn. Kết quả là lãi suất của 4 ngân hàng TMCP có vốn Nhà nước thậm chí còn cao hơn một số ngân hàng khác ở nhiều kỳ hạn ngắn. Cụ thể, ở kỳ hạn 1 đến 6 tháng, lãi suất của Vietcombank, Agribank, BIDV và VietinBank ở mức từ 4,5%-5,5%/năm, cao hơn đáng kể so với LienVietPostBank khi chỉ ở mức 4,1%-5,1%/năm.
Với những kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, lãi suất của những “ông lớn” ngân hàng này (trừ Vietcombank) cũng đều tiệm cận hoặc thậm chí là nhỉnh hơn của một số ngân hàng TMCP tư nhân như Eximbank, LienVietPostBank, MBBank, Techcombank, và TPBank (xem bảng).
Điều này làm cho nhiều người nhìn nhận rằng sự biến động tăng lên của lãi suất huy động ở các ngân hàng TMCP có vốn Nhà nước, với vai trò “kim chỉ nam” cho các ngân hàng nhỏ, đã và sẽ tiếp tục đẩy mặt bằng lãi suất huy động lên cao.
Tuy nhiên, thực tế không hẳn là vậy. Trước tiên, cần lưu ý rằng 4 ngân hàng TMCP có vốn Nhà nước mới chỉ điều chỉnh (đáng kể) lãi suất tiền gửi gần đây, sau khi nhiều ngân hàng TMCP tư nhân đã tăng mạnh lãi suất từ trước đó vài tháng.
Nói cách khác, sự điều chỉnh tăng lên về lãi suất huy động của các ngân hàng TMCP có vốn Nhà nước, đặc biệt ở kỳ hạn ngắn, chỉ là sự chạy theo xu hướng, chứ không phải dẫn đầu, định hướng cho các ngân hàng TMCP tư nhân khác.
Áp lực chạy đua lãi suất ở ngân hàng tư nhân ra sao?
Hãy xem lý do đằng sau việc một số ngân hàng tư nhân lại không dẫn đầu trong bảng lãi suất tiền gửi nếu so với các ông lớn có vốn Nhà nước.
Với LienVietPostBank, biểu lãi suất tiền gửi hiện tại đã được áp dụng từ 8/8, hơn 2 tháng trước khi nhiều ngân hàng khác điều chỉnh lãi suất. Điều này chứng tỏ lãi suất của ngân hàng này không phải là kém cạnh tranh so với các ngân hàng khác tại thời điểm áp dụng.
Điều đáng nói là dư địa tăng trưởng tín dụng của LienVietPostBank năm 2018 đã không còn nhiều. Trong nửa đầu năm 2018, tăng trưởng tín dụng của nhà băng này đã đạt tới 13,3% so với cuối năm 2017, trong khi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được phép tối đa bị khống chế ở mức 14% cho cả năm nay (25% trong năm 2017).
Như vậy, rõ ràng là ngân hàng này không có nhiều áp lực phải chạy đua tăng lãi suất huy động để có thêm vốn đẩy mạnh cho vay nữa.
Với Eximbank, dù có chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2018 là 12%, khá thấp hơn so với mặt bằng chung, nhưng 6 tháng đầu năm Eximbank tăng trưởng tín dụng âm 0,5%. Điều này chứng tỏ ngân hàng này có những khó khăn nhất định, hoặc có chiến lược không chú trọng vào việc đẩy mạnh cho vay. Nói cách khác, họ không có động cơ chạy đua nâng lãi suất để huy động thêm được nhiều vốn nhằm đáp ứng nhu cầu cho vay.
Tương tự, Techcombank có chiến lược chuyển từ cho vay trung - dài hạn sang cho vay ngắn hạn nên rõ ràng là nhu cầu huy động vốn trung - dài hạn sẽ phải giảm đi tương ứng. Theo đó, lãi suất huy động trung - dài hạn của ngân hàng này đã và sẽ ở mức tương đối thấp so với các đối thủ.
Thêm nữa, nhà băng cũng tập trung vào xây dựng các mối quan hệ hợp tác liên kết để đa dạng hóa nguồn thu. Nhờ thế, ngân hàng đạt được tỷ lệ thu nhập ngoài lãi chiếm đến 41,7% tổng thu nhập trong nửa đầu năm 2018. Đây cũng là lý do Techcombank không có áp lực lớn trong việc cạnh tranh lãi suất huy động.
Một ngân hàng khác có lãi suất huy động tương đối thấp là MBBank. Lý do có thể bắt nguồn từ dư địa tăng trưởng tín dụng cũng không còn “xông xênh” trong năm nay khi tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm đã đạt 11% trong khi hạn mức tăng trưởng cả năm là 15%.
Hơn nữa, ngân hàng này có lợi thế lớn là luôn có nguồn vốn huy động có chi phí thấp. Ngoài ra, ngân hàng này từ giữa năm 2017 có một lượng vốn lớn đang phân bổ ở thị trường 2 có hiệu quả không cao, nên đã chuyển sang cho vay khách hàng trong năm nay. Những yếu tố này kết hợp với nhau làm cho MBBank không phải tích cực tham gia cuộc đua lãi suất như với các ngân hàng khác.
Cuối cùng là TPBank, ngân hàng này đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm tới 14,5%. Trong khi đó, hạn mức tín dụng của ngân hàng chỉ là 15%. Điều này buộc ngân hàng phải giảm thiểu các hoạt động cho vay. Vì vậy, áp lực chạy đua nâng lãi suất huy động của ngân hàng này cũng được giảm bớt đi.
Tóm lại, từ những phân tích ở trên có thể thấy rằng lãi suất tiền gửi của các ngân hàng TMCP có vốn Nhà nước vẫn đang thuộc nhóm thấp nhất trên thị trường, trừ những ngân hàng mà vì một vài lý do cụ thể cũng đang có lãi suất huy động khá thấp.
Và do "ông lớn" ngân hàng cũng chỉ mới gia tăng sau khi nhiều ngân hàng TMCP tư nhân đã tăng mạnh lãi suất nên không thể kết luận được rằng nhóm này đang dẫn dắt thị trường và sẽ tiếp tục đẩy lãi suất lên cao trong thời gian tới.
Nói cách khác, lãi suất nếu có tăng trong thời gian tới vẫn sẽ tiếp tục được dẫn đầu bởi các ngân hàng TMCP tư nhân, đặc biệt là những ngân hàng nhỏ, yếu.
Ông Phan Minh Ngọc là chuyên gia tài chính, tốt nghiệp Tiến sĩ Kinh tế ĐH Kyushu (Nhật Bản). Ông từng là Phó giám đốc Phòng Nghiên cứu doanh nghiệp chi nhánh Singapore của Ngân hàng Sumitomo Mitsui (Nhật Bản) giai đoạn 2007-2018. Từ năm 2014 đến 2017, ông giảng dạy và nghiên cứu kinh tế quốc tế tại ĐH Kyushu (Nhật Bản). Ông cũng từng làm việc tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giai đoạn 1994-1997.
Theo TS Phan Minh Ngọc (Tri Thức Trực Tuyến)