Một loạt thay đổi mới vừa diễn ra tại Công ty cổ phần Thủy Tạ (mã CK: TTJ), sau phiên họp thường niên năm 2019. Theo đó, đơn vị chủ quản thương hiệu Kem Thủy Tạ vừa được các cổ đông thông qua bầu lại toàn bộ Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, thay đổi nhiệm kỳ hoạt động và thông qua chủ trương tăng vốn điều lệ lên gấp 10 lần.
5 thành viên cũ trong Hội đồng quản trị và 3 thành viên Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2018 - 2022 của Thủy Tạ đồng loạt có đơn xin từ nhiệm và được thông qua tại phiên họp thường niên cuối tuần trước.
Thay thế những nhân sự này là các thành viên từ công ty mẹ Hapro và Intimex Việt Nam. Trong đó, ba thành viên Hội đồng quản trị mới là ông Vũ Thanh Sơn - Tổng giám đốc Hapro, bà Nguyễn Hồng Hải - Trưởng ban kiểm soát Hapro, đồng thời cũng là lãnh đạo tại nhiều doanh nghiệp khác trong Tập đoàn BRG và ông Phạm Hồng Thái - Tổng giám đốc Intimex Việt Nam (đơn vị thành viên của Tập đoàn BRG).
Ba thành viên Ban kiểm soát của Thủy Tạ cũng được thay thế toàn bộ với những nhân sự mới, đồng thời nhiệm kỳ hoạt động của Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát được sửa đổi từ 2018 - 2022 thành 2019 - 2024.
Ngoài vấn đề nhân sự ban điều hành, các cổ đông đại diện cho 98% vốn điều lệ công ty cũng thông qua chủ trương tăng vốn điều lệ lên 300 tỷ đồng, gấp 10 lần mức vốn cuối năm 2018. Tờ trình cũng đề nghị giao Hội đồng quản trị quyết định phương án tăng vốn, thời điểm và các thủ tục liên quan.
Thủy Tạ, thành lập từ năm 1945, duy trì mức vốn điều lệ chỉ vài chục tỷ đồng sau hơn 60 năm hoạt động. Đến cuối năm 2018, vốn điều lệ của doanh nghiệp này chỉ dừng ở mức 30 tỷ đồng. Tổng tài sản đến cuối năm chỉ đạt gần 53 tỷ, giảm hơn 13 tỷ so với cuối 2017.
Dù đã gây dựng được thương hiệu và giữ thị phần lớn phía Bắc trong thời gian dài, sự xuất hiện của những đối thủ "sinh sau đẻ muộn" như kem Wall's của Unilever, và đặc biệt là 2 đối thủ lớn nhất hiện tại là Kido Foods và Vinamilk đã làm thay đổi cuộc chơi của những doanh nghiệp truyền thống như Tràng Tiền và Thủy Tạ.
Năm 2018, tổng doanh thu của Thủy Tạ đạt hơn 100 tỷ đồng tương đương năm 2017 nhưng doanh thu từ mảng kem tiếp tục giảm 3%, xuống gần 46 tỷ đồng. Gắn liền với thương hiệu kem nổi tiếng, song phần lớn lợi nhuận của Thủy Tạ lại đến từ việc cho thuê nhà hàng, với một hệ thống nhà hàng và các cửa hàng kinh doanh dịch vụ, tọa lạc tại những vị trí đẹp xung quanh hồ Gươm và trên đường Lê Thái Tổ.
Trong báo cáo gửi các cổ đông, một trong những khó khăn được ban lãnh đạo công ty này nêu ra là hệ thống dây chuyền sản xuất kem và thiết bị đã lâu năm, thường xuyên hỏng hóc, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, tình hình thị trường cũng được nhận định đang tạo ra "sự cạnh tranh ngày càng gay gắt", đặc biệt là những sản phẩm cùng loại của Thủy Tạ.
Năm 2019, Thủy Tạ đặt mục tiêu tổng doanh thu 109 tỷ đồng, tăng gần 7% với lợi nhuận trước thuế gần 7 tỷ đồng. Riêng mảng kem, ban điều hành đặt mục tiêu cải tiến công thức nhằm tăng độ cứng của kem, tăng chất lượng sản phẩm đầu ra, đồng thời nghiên cứu để ra mắt 2-3 sản phẩm kem mới nhằm tăng tính cạnh tranh.
Theo Minh Sơn (VnExpress.net)