Kiểm toán Nhà nước: Các ngân hàng cải thiện ảo hệ số an toàn vốn

24/05/2019 08:13:25

Kiểm toán Nhà nước cho biết một số ngân hàng thương mại đã đầu tư trái phiếu chéo lẫn nhau để “cải thiện ảo” hệ số CAR, khiến hệ số này của toàn hệ thống chưa tin cậy.

Trong báo cáo gửi Quốc hội mới đây, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra chiêu trò một số ngân hàng đã áp dụng để "cải thiện ảo" hệ số an toàn vốn CAR.

Đầu tư trái phiếu chéo lẫn nhau

Kiểm toán Nhà nước cho biết hệ số an toàn vốn (CAR) toàn hệ thống ngân hàng trong năm 2017 chưa đáng tin cậy.

Loại trừ các ngân hàng yếu kém và các ngân hàng được NHNN mua lại với giá 0 đồng, Kiểm toán Nhà nước cho rằng một số ngân hàng thương mại đã đầu tư trái phiếu chéo lẫn nhau để “cải thiện ảo” hệ số CAR.

Cùng với đó, nhiều ngân hàng thương mại đã phân loại nợ không đúng, ảnh hưởng đến lợi nhuận, tác động giảm hệ số này.

Trong hoạt động ngân hàng, CAR là một chỉ tiêu quan trọng phản ánh mối quan hệ giữa vốn tự có với tài sản có điều chỉnh rủi ro của các ngân hàng thương mại.

Theo thống kê mới nhất từ NHNN, tính đến cuối tháng 2/2019, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của toàn hệ thống ngân hàng vào khoảng 11,8%.

Trong đó, các ngân hàng thương mại Nhà nước có tỷ lệ này ở mức 9,42%; ngân hàng thương mại cổ phần ở mức 10,76%, trong khi nhóm ngân hàng liên doanh, nước ngoài là 24,67%...

Kiểm toán Nhà nước: Các ngân hàng cải thiện ảo hệ số an toàn vốn
Một số ngân hàng thương mại dùng chiêu đầu tư trái phiếu chéo lẫn nhau để “cải thiện ảo” hệ số CAR. Ảnh minh họa: NBA.

Việc một số ngân hàng dùng chiêu để "cải thiện ảo" hệ số CAR từ năm 2017 đặt ra bài toán phải thống nhất phương án tính toán để đưa ra một hệ số chính xác. Đặc biệt trong bối cảnh hệ thống ngân hàng đang đến gần hơn với việc áp dụng chính thức chuẩn Basel II vào năm 2020 tới.

VAMC chưa thực hiện vai trò trong mua và xử lý nợ xấu

Báo cáo gửi Quốc hội lần này của Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết ngoài những thành tích đã đạt được trong năm 2017, hoạt động ngành ngân hàng vẫn còn một số tồn tại, han chế.

Cụ thể, kiểm toán cho biết một số ngân hàng đã tăng trưởng tín dụng vượt mức cho phép của NHNN, như BaovietBank, SeABank, NamABank, PVcombank, VietBank với tổng dư nợ vượt 6.988 tỷ đồng.

Trong khi đó, một số ngân hàng khác còn vi phạm quy định về giới hạn góp vốn, mua cổ phần trong hệ thống.

"Sacombank và Kienlongbank sở hữu cổ phần trực tiếp qua lại lẫn nhau; 5 tổ chức tín dụng gồm MSB, Vietcombank, CBBank, OceanBank và Agribank nắm giữ cổ phần của hơn 2 tổ chức tín dụng khác (tại năm 2017)", Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ.

Trong hoạt động xử lý nợ xấu, đại diện kiểm toán cho biết Công ty Quản lý Tài sản - VAMC chưa thực hiện vai trò trong việc mua và xử lý nợ xấu, mà chủ yếu thông qua việc ủy quyền lại cho các tổ chức tín dụng bán nợ. Tổ chức này cũng không thẩm định giá mua (bằng dư nợ trừ dự phòng rủi ro), đồng thời không kiểm tra, đánh giá khách hàng vay, tính trung thực, chính xác của hồ sơ, tài liệu và tài sản đảm bảo của khoản nợ...

Ngoài ra, một số ngân hàng thương mại Nhà nước còn chậm quyết toán các chương trình hỗ trợ lãi suất, chưa thu hồi nợ tồn đọng nhóm 2 và nợ có tính chất tồn đọng nhóm 2 để hoàn trả ngân sách Nhà nước.

Tính đến cuối năm 2017, giá trị khoản nợ đọng này tại 4 ngân hàng thương mại Nhà nước là 108 tỷ đồng và 2,2 triệu USD. Trong đó, giá trị tại BIDV là hơn 40 tỷ đồng; Agribank là gần 31 tỷ đồng; Vietcombank là hơn 1 tỷ đồng và Vietinbank là khoản giá trị 36 tỷ và 2,2 triệu USD.

Theo Quang Thắng (Tri Thức Trực Tuyến)

Nổi bật