Vừa qua, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) ra quyết định đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy toàn bộ lô sản phẩm Hanayuki Sunscreen Body (tuýp 100g) do ghi nhãn sai chỉ số chống nắng SPF.
Theo kết quả kiểm nghiệm từ Viện Kiểm nghiệm thuốc TP HCM, mẫu sản phẩm có chỉ số SPF thực tế chỉ đạt 2,4, trong khi trên nhãn sản phẩm in rõ SPF 50 - mức chống nắng cao, thường được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn để bảo vệ da khỏi tác hại của tia UVB.
Điều đáng nói, trong phiếu công bố sản phẩm nộp tại Cục Quản lý Dược, không có bất kỳ thông tin nào về chỉ số SPF 50, nhưng thông tin này lại được in trên nhãn dán bao bì sản phẩm khi lưu hành ngoài thị trường. Hành vi này không chỉ gây hiểu nhầm nghiêm trọng cho người tiêu dùng, mà còn vi phạm các quy định hiện hành về ghi nhãn và chất lượng sản phẩm mỹ phẩm.
Trao đổi với PV, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật nhận định rõ ràng: “Sản phẩm ghi nhãn có chỉ số chống nắng SPF 50 nhưng kết quả kiểm nghiệm chỉ đạt 2,4, tức thấp hơn 5% so với công bố. Căn cứ theo Khoản 7 Điều 3 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, đây là hành vi buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng”.
Cụ thể, Nghị định này định nghĩa hàng giả là hàng hóa có chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật đạt dưới 70% so với tiêu chuẩn công bố, hoặc tiêu chuẩn ghi trên bao bì. Với mức chênh lệch quá lớn giữa SPF 50 được ghi trên nhãn và SPF 2,4 thực tế, luật sư Bình khẳng định:
“Sản phẩm này đáp ứng đầy đủ dấu hiệu để xác định là hàng giả. Việc không công bố chỉ số SPF 50 trong phiếu đăng ký, nhưng lại cố tình ghi trên nhãn dán là hành vi gian dối, có dấu hiệu lừa đảo người tiêu dùng”.
Luật sư cũng bác bỏ quan điểm coi đây là hành vi “lách luật” bởi vì “lách luật” là một thuật ngữ dân gian nhằm chỉ việc tìm ra những cái mà pháp luật chưa quy định, điều chỉnh kịp thời sau đó lợi dụng nó để thực hiện hành vi nhất định thì mới được gọi là “lách luật”. Còn trong trường hợp này tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP đã quy định rõ về trường hợp này, có cơ sở pháp lý để xử lý nên không thể coi là “lách luật”.
Theo quảng cáo trên thị trường, sản phẩm Hanayuki Sunscreen Body được giới thiệu có khả năng bảo vệ da chống nắng, dưỡng trắng và chăm sóc da toàn thân. Tuy nhiên, với chỉ số SPF thực tế quá thấp, sản phẩm không thể thực hiện đúng công dụng như cam kết, khiến người tiêu dùng bị đánh lừa và tiềm ẩn nguy cơ tổn thương da, thậm chí tăng nguy cơ ung thư da khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Cục Quản lý Dược đã yêu cầu thu hồi toàn bộ lô sản phẩm Hanayuki Sunscreen Body vi phạm, đồng thời yêu cầu tiêu hủy theo đúng quy định. Việc xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm như thế này là cần thiết để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tăng cường kỷ cương trong hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm.
Luật sư Diệp Năng Bình khuyến cáo: “Người tiêu dùng cần kiểm tra kỹ nguồn gốc, thông tin công bố và đánh giá chất lượng của sản phẩm mỹ phẩm trước khi sử dụng. Doanh nghiệp, nhãn hàng cần tuyệt đối tuân thủ quy định pháp luật, bởi mọi hành vi gian dối sẽ để lại hậu quả nặng nề cả về pháp lý và uy tín thương hiệu”.
Ngày 20/5, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đã giao Thanh tra Sở Y tế kiểm tra Công ty TNHH thương mại dịch vụ VBGroup (VB Group) của chồng ca sĩ Đoàn Di Băng làm đại diện pháp luật - đơn vị phân phối lô kem chống nắng Hanayuki vừa bị thu hồi.
Đồng thời, Công ty cổ phần nhà máy y tế EBC Đồng Nai (EBC Group) - đơn vị sản xuất lô kem chống nắng Hanayuki Sunscreen Body cũng bị kiểm tra về việc chấp hành các quy định của Pháp luật về quản lý mỹ phẩm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm, xử lý, xử phạt vi phạm theo quy định hiện hành.
Theo Xuân Đoàn (SHTT)