Hy Lạp tiến gần nguy cơ vỡ nợ

12/06/2015 14:09:17

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hôm qua thông báo rút khỏi cuộc đàm phán nợ với Hy Lạp, do Athens không tuân thủ các cải tổ về lương hưu và luật lao động.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hôm qua thông báo rút khỏi cuộc đàm phán nợ với Hy Lạp, do Athens không tuân thủ các cải tổ về lương hưu và luật lao động.

Quyết định của IMF được công bố chỉ ít lâu sau khi quan chức EU giận dữ chỉ trích việc Chính phủ Hy Lạp liên tục từ chối nhượng bộ các đề xuất của nhóm chủ nợ. Chủ tịch Liên minh Châu Âu (EU) - Donald Tusk trước đó đã cố gây áp lực lên Tân thủ tướng Hy Lạp - Alexis Tsipras về việc đồng ý các điều khoản của nhóm chủ nợ, và cảnh báo Hy Lạp đã hết thời gian đánh cược với tương lai của chính mình.

 
Người đàn ông đi qua một ki ốt bán cờ tại Athens. Ảnh: MB

Theo kế hoạch, thứ Sáu tuần này, Tsipras sẽ khôi phục các cuộc đàm phán với Chủ tịch EC - Jean-Claude Juncker để giải quyết vấn đề về các bất đồng quanh việc Athens thực thi cải tổ quy mô lớn và cắt giảm chi tiêu để đổi lấy gói cứu trợ. Tuy nhiên, tương lai cuộc họp này đang là một dấu hỏi.

Trong khi đó, người phát ngôn của Chính phủ Hy Lạp cho biết nhóm đàm phán của họ đã "sẵn sàng" tăng cường nỗ lực để đạt thỏa thuận "kể cả trong 24 giờ tới". "Vì lý do đó, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc về các vấn đề như tài khóa và độ bền vững của các khoản nợ", người này cho biết.

Hy Lạp đã tranh luận với các chủ nợ về giải ngân các khoản còn lại trong gói cứu trợ. Nếu không được rót tiếp 7,2 tỷ euro, nước này sẽ đối mặt nguy cơ vỡ nợ, phải thiết lập các biện pháp kiểm soát vốn và thậm chí rời khu vực đồng euro.

Tusk cảnh báo trừ phi ký được thỏa thuận trong vài ngày tới, nếu không, các cuộc đàm phán sẽ đổ vỡ và Hy Lạp sẽ vỡ nợ với khoản vay 320 tỷ USD hiện tại. Trong buổi họp báo tại Hội nghị Thượng đỉnh các nước châu Mỹ và Caribbean, Tusk cũng cho biết hiện tại là thời điểm để quyết định. "Tôi nghĩ rằng Chính phủ Hy Lạp nên thực tế hơn một chút. Rõ ràng là chúng ta cần quyết định, chứ không phải đàm phán. Hy Lạp đã hết thời gian đánh cược rồi. Tôi sợ rằng ngày đó đang đến, cái ngày mà người ta bảo cuộc chơi đã chấm dứt ấy", ông nói.

Sự can thiệp của IMF đã chấm dứt các cuộc đàm phán về làm cách nào để cải tổ thị trường lao động Hy Lạp và hệ thống lương hưu – trung tâm của cuộc tranh luận. Giám đốc IMF – bà Christine Lagarde sẽ tham dự cuộc họp Bộ trưởng Tài chính eurozone tại Luxembourg vào ngày 18 này.

Rice cho biết cánh cửa của IMF luôn rộng mở nếu Hy Lạp muốn bàn bạc về các điều chỉnh thực sự. "Như giám đốc điều hành của chúng tôi đã nói rất nhiều lần rồi đấy, IMF sẽ không bao giờ rời bàn đàm phán", ông nói.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Đức - Jens Weidmann cũng cảnh báo rủi ro vỡ nợ đang tăng lên từng ngày. "Ảnh hưởng lan truyền của kịch bản này chắc chắn sẽ được kiềm chế tốt hơn trước đây, nhưng chúng không nên bị đánh giá thấp. Chỉ là người thiệt hại lớn nhất sẽ là Hy Lạp và người dân nước họ thôi", ông nói.

Cho đến tuần này, Hy Lạp vẫn từ chối các biện pháp thắt chặt do nhóm chủ nợ yêu cầu. Nhưng những ngày gần đây, nhóm đàm phán từ nước này đã có vài tín hiệu nhượng bộ về cải tổ lao động và giảm chi cho lương hưu.

Hôm qua, Bộ trưởng Kinh tế quốc gia Hy Lạp - Giorgos Stathakis cũng cho biết dù đạt được bất kỳ thỏa thuận nào, tăng thuế là không thể tránh khỏi. Phát biểu trên kênh truyền hình quốc gia ERT, Stathakis cho biết Chính phủ sẽ bật đèn xanh cho việc tư nhân hóa và các loại thuế khẩn cấp lên những người có thu nhập trung bình. Các tài sản thuộc sở hữu nhà nước sẽ bị rao bán sẽ gồm cả cảng Piraeus, hệ thống tàu hỏa TrainOSE và các sân bay quốc gia.

Bộ trưởng Tài chính các nước eurozone (eurogroup) sẽ họp tại Luxembourg trong một tuần. Tusk cho biết đây sẽ là cuộc họp mang tính chất quyết định.
 
>> Hy lạp vỡ nợ, eurozone sẽ phải trả giá đắt
>> Châu Âu “bực mình” với thái độ chống đối của Hy Lạp
 
Theo Hà Thu (VnExpress.net)

Nổi bật