Mới có 1 sân bay được xây dựng theo PPP
Ông Nguyễn Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT) cho hay, hiện nay Việt Nam đang khai thác 22 cảng hàng không, trong đó có 21 cảng hàng không do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) quản lý và 1 cảng hàng không kêu gọi, huy động xã hội đầu tư theo hình thức PPP là Cảng hàng không Vân Đồn (Quảng Ninh).
Theo ông Dũng, giai đoạn 2011-2019, tốc độ phát triển của ngành hàng không Việt Nam rất cao, trung bình từ 16-18%/năm, được Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA) đánh giá là tốc độ phát triển hàng không nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, đứng thứ 5 thế giới. Với tốc độ phát triển này đã gây áp lực lên kết cấu hạ tầng cảng hàng không.
Cũng giai đoạn này, kết quả đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không Việt Nam đạt được công suất thiết kế cho các cảng hàng không là 95 triệu lượt hành khách/năm. Trong khi thực tế thời điểm cao nhất trước Covid-19 (năm 2019), sản lượng thông qua các cảng hàng không của Việt Nam đạt 116,5 triệu hành khách/năm. Như vậy là đã vượt khoảng 20 triệu lượt khách thông qua hệ thống cảng hàng không Việt Nam.
Với lưu lượng như vậy, một số cảng hàng không đã quá tải hạ tầng, tập trung chủ yếu vào các cảng hàng không đầu mối lớn của cả nước, cụ thể là Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Cam Ranh, Đà Nẵng.
Hơn nữa, cũng theo ông Dũng, giai đoạn vừa qua, nguồn vốn huy động vào các cảng hàng không chủ yếu là ngân sách Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước.
Cụ thể, đã thu hút được 95.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước khoảng 13,5%, còn lại là nguồn vốn của ACV và nguồn vốn PPP cho Cảng hàng không Vân Đồn.
Nhiều nhà đầu tư đã từng hồ hởi nhưng giờ đi hết
Theo quy hoạch mạng lưới Cảng hàng không, sân bay từ nay đến 2030, tầm nhìn 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tính toán cho thấy, cần huy động khoảng hơn 420.000 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng hàng không. Quy hoạch mạng lưới cảng hàng không cũng nêu rõ, sẽ huy động vốn PPP để phát triển hạ tầng hàng không trong bối cảnh ngân sách Nhà nước còn hạn chế.
Chuyên gia hàng không Lương Hoài Nam cho rằng, vướng mắc trong xã hội hóa đầu tư phát triển hạ tầng hàng không đang nằm ở 4 chữ: "Chưa có đường đi".
Tức là, nhà đầu tư chưa biết đi thế nào về thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư; các địa phương không biết đi thế nào, làm như thế nào để thực hiện các đề án xã hội hóa.
“Chúng ta đang nói về vấn đề xã hội hóa hạ tầng sân bay nhưng thực tế câu chuyện này đã nói 10 năm nay. Đã có nhiều diễn đàn, nhiều cuộc họp và cả nhiều chỉ đạo. Thực tế là sau một thời gian theo đuổi, rất đáng tiếc là các nhà đầu tư trước đây hồ hởi, muốn tham gia vào các dự án sân bay này, thì bây giờ đi hết rồi”, ông Nam nói.
Cũng theo ông Nam, vấn đề rắc rối nhất hiện nay là xử lý tài sản của ACV đối với các sân bay tới đây sẽ thực hiện xã hội hóa như thế nào.
“Hiện có 2 phương án: một là ACV sẽ thoái vốn hết khỏi các sân bay đó và phương án hai là ACV tiếp tục ở lại và làm cổ đông chi phối tại các sân bay xã hội hóa.
Cá nhân tôi nghĩ rằng không nên đi theo phương án 2, bởi vì hiếm có doanh nghiệp tư nhân nào đưa tiền cho ACV để ACV chi phối trong các dự án phát triển sân bay. Tôi nghĩ phương án tốt nhất là ACV nên thoái ra để cho nhà đầu tư tư nhân và các liên doanh đầu tư tư nhân tham gia, vận hành. Nhưng vẫn phải có cách để giải quyết tài sản của họ cho khoa học, minh bạch, không thất thoát, rõ ràng”- ông Nam nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, ông Lương Hoài Nam lo ngại việc nếu các nhà đầu tư không được quyền tham vấn, không được đề xuất về quy hoạch thì sẽ rất khó tìm kiếm được nhà đầu tư. Từ đó, ông Nam kiến nghị cần có cơ chế cho các nhà đầu tư có quyền tham gia đề xuất vào quy hoạch của sân bay có ý định thực hiện xã hội hóa.
Còn ông Phạm Ngọc Sáu, nguyên Giám đốc Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn cho rằng, vấn đề quan trọng nhất hiện tại là làm sao đẩy nhanh việc đầu tư vào hạ tầng sân bay.
Hạ tầng cảng hàng không hiện nay có 2 hạ tầng chính, không chỉ là các sân bay mới, sân bay hiện hữu mà cần đầu tư cơ sở hạ tầng của sân bay như nhà ga hàng hóa, nhà ga hành khách và công trình phụ trợ.
"Rất nhiều công trình đó chúng ta phải tìm cách đầu tư càng sớm càng tốt. Vấn đề chính ở đây để chúng ta triển khai được là con đường chúng ta đi, làm thế nào để tạo ra được hành lang pháp lý thuận lợi, có tiếng nói giữa nhà đầu tư và Nhà nước. Hai cái đó nếu khớp nhau được thì chúng ta sẽ giải quyết được các vấn đề đặt ra", ông Sáu nói.
Ngoài ra, xung quanh sân bay phải có hạ tầng đường bộ, đường sắt, đường thủy kết nối thuận tiện để tăng tiềm năng giao thương, du lịch. Ông Sáu lấy ví dụ sân bay Vân Đồn được xây trên đất Quảng Ninh, nhưng khách đến Hạ Long (Quảng Ninh) thường chọn sân bay Cát Bi (Hải Phòng) vì đi lại thuận tiện hơn.
Theo Ngân Tuyển (An Ninh Thủ Đô)