Hủy chế độ ưu tiên với Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam

04/02/2017 19:11:00

Không đạt được chỉ tiêu về kim ngạch xuất nhập khẩu trong năm qua, Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) bị đình chỉ chế độ ưu tiên.

 

Không đạt được chỉ tiêu về kim ngạch xuất nhập khẩu trong năm qua, Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) bị đình chỉ chế độ ưu tiên.

Theo quy định, để được ưu tiên, doanh nghiệp phải đạt kim ngạch xuất nhập khẩu (bình quân 2 năm liên tục) từ 100 triệu USD/năm trở lên, số tờ khai hải quan đã làm thủ tục hải quan đứng tên đại lý trong năm đạt từ 20.000 tờ khai/năm trở lên.

Huy che do uu tien voi Tap doan cong nghiep cao su Viet Nam hinh anh 1
Không đạt được chỉ tiêu về kim ngạch xuất nhập khẩu trong năm qua, Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) bị đình chỉ chế độ ưu tiên. Ảnh: Ngọc An. 

Trong năm qua, theo báo cáo của VRG, tập đoàn đã khai thác được hơn 250.000 tấn mủ cao su, vượt 3% kế hoạch. Tất cả công ty cao su đều hoàn thành và vượt kế hoạch được giao. Năng suất bình quân đạt 1,62 tấn/ha.

Sản lượng thu mua hơn 70.000 tấn, đạt 120 % so với kế hoạch, góp phần quan trọng vào việc tiêu thụ mủ cao su cho nông dân trồng cao su. Sản lượng chế biến cao su năm 2016 của Tập đoàn đạt  hơn 335.000 tấn, vượt 6% so với kế hoạch; đã tiêu thụ 337.831 tấn cao su các loại, vượt 6% kế hoạch năm.

Tính chung cả ngành cao su, năm 2016, Việt Nam xuất khẩu khoảng 1,26 triệu tấn cao su thiên nhiên, đạt kim ngạch 1,67 tỷ USD, tăng 10,6% về khối lượng và tăng 9% về giá trị so với năm 2015.

Tuy nhiên, tổng trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu của tập đoàn không đáp ứng quy định. Nguyên nhân là việc xuất nhập khẩu sản phẩm trước đây đều thực hiện qua công ty mẹ của tập đoàn, nhưng hiện nay được giao trực tiếp cho các đơn vị thành viên thực hiện.

Huy che do uu tien voi Tap doan cong nghiep cao su Viet Nam hinh anh 2
Tổng doanh thu (màu xanh), lợi nhuận trước thuế (màu đỏ), số tiền nộp ngân sách (màu vàng) của Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam trong 2 năm qua. Đồ họa: Kiều Vui. 

Dù vậy, tổng doanh thu toàn tập đoàn trong năm qua đạt hơn 15.000 tỷ đồng (đạt 114% kế hoạch), lợi nhuận trước thuế đạt 2.366 tỷ đồng, nộp ngân sách đạt 1.150 tỷ đồng (đạt 139% kế hoạch), tạo việc làm cho 92.000 lao động, trong đó có 26.300 lao động là người dân tộc thiểu số, thu nhập bình quân đạt 5,4 triệu/người/tháng.

So với năm 2015, doanh thu của tập đoàn năm 2016 giảm khoảng 3.000 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận trước thuế lại tăng khoảng 366 tỷ đồng. Năm 2016, tập đoàn cũng nộp ngân sách ít hơn 2015 số tiền 136 tỷ đồng. 

Báo cáo Tái cơ cấu doanh nghiệp, tình hình sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2016 cho thấy lợi nhuận của tập đoàn chủ yếu đến từ việc bán gỗ, chỉ vọn vẻn 4% đến từ cao su.

Không được hưởng chế độ ưu tiên, VGR sẽ không được miễn kiểm tra hồ sơ hải quan, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa. Doanh nghiệp cũng không được sử dụng bộ chứng từ bao gồm hóa đơn thương mại, giấy đóng gói hàng hóa, lệnh giao hàng và bản tự kê khai thuế đóng dấu, ký tên của đại diện doanh nghiệp để thông quan hàng hóa trong trường hợp hệ thống dữ liệu của cơ quan hải quan gặp sự cố hoặc tạm dừng hoạt động.

Ngoài ra, doanh nghiệp phải đăng ký với cơ quan hải quan định mức tiêu hao nguyên vật liệu, nộp báo cáo thanh khoản với cơ quan hải quan... Các ưu tiên trong giai đoạn sau thông quan cũng sẽ bị bãi bỏ. Doanh nghiệp sẽ không được khai hải quan một lần hay được ưu tiên các thủ tục về thuế như trước nữa.

Tại hội nghị tổng kết năm 2016 của đơn vị này, Phó thủ tướng Trương Hoà Bình đề nghị VGR trong năm 2017 cần đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá công ty mẹ và các công ty con, đơn vị thành viên theo chỉ đạo của Thủ tướng. Đơn vị này cũng cần tiếp tục thoái vốn ở một số công ty ngoài ngành chính, sắp xếp cổ đông ở các công ty con thuộc ngành nghề chính.
 

Theo Kiều Vui (Zing.vn)

Nổi bật