Hong Kong tiếp tục là thành phố đắt đỏ nhất thế giới

27/06/2019 13:44:43

Giá bất động sản, xăng và cà phê ở mức cao khiến Hong Kong năm thứ 2 liên tiếp đứng đầu xếp hạng của Mercer.

Hãng nghiên cứu Mercer Human Resource Consulting (Anh) vừa công bố báo cáo Chi phí sinh hoạt (Cost of Living) 2019 của 209 thành phố trên thế giới. Những địa điểm này được đánh giá theo kết quả khảo sát thường niên về chi phí hơn 200 loại hàng hóa, dịch vụ phổ biến, như nhà ở, giao thông, thức ăn, trang phục, đồ dùng gia đình và tiện nghi giải trí. Tất cả sau đó sẽ được so sánh với New York (Mỹ) và xếp hạng.

Năm nay, Hong Kong lần thứ 2 liên tiếp đứng đầu bảng xếp hạng. Nhu cầu cao và nguồn cung thiếu về bất động sản đã đẩy giá địa ốc Hong Kong lên cao chót vót vài năm gần đây. Báo cáo cho rằng, việc đôla Hong Kong neo vào USD cũng khiến chi phí sinh hoạt tại đây tăng lên.

Hong Kong tiếp tục là thành phố đắt đỏ nhất thế giới
Các tòa nhà cao tầng tại Hong Kong (Trung Quốc). Ảnh: Reuters

Các thành phố châu Á chiếm phần lớn trong top 10, nhờ thị trường bất động sản tăng nhiệt. Tokyo giữ vị trí thứ hai, theo sau là Singapore (3), Seoul (4), Thượng Hải (6), Ashgabat (7), Bắc Kinh (8) và Thâm Quyến (10). Hầu hết tăng bậc so với năm ngoái.

Một bữa ăn nhanh Big Mac từ McDonald’s tại Zurich đắt nhất thế giới, với gần 15 USD. Hong Kong là nơi đắt đỏ nhất khi mua xăng hoặc một cốc cà phê. Còn người London phải trả giá cao nhất cho một vé xem phim.

Nửa cuối danh sách là các thành phố có chi phí sinh hoạt rẻ nhất thế giới, gồm thủ đô Tunisia - Tunis (209), Tashkent (208) ở Uzbekistan và Karachi (207) của Pakistan. Mercer cho biết có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến xếp hạng của các thành phố, như tỷ giá, lạm phát giá hàng hóa, dịch vụ và biến động giá nhà ở.

Việt Nam có 2 thành phố được đánh giá, là Hà Nội và TP HCM. Tính trên toàn cầu, Hà Nội xếp thứ 112 về mức độ đắt đỏ, tăng 25 bậc so với năm ngoái. Chi phí sinh hoạt tại TP HCM tăng 4 bậc, lên 120.

Cost of Living là báo cáo được Mercer công bố hàng năm. Mục đích là giúp các công ty đa quốc gia và Chính phủ các nước đánh giá chi phí khi cử nhân viên sang làm việc tại nước ngoài.

"Chi phí sinh hoạt là yếu tố quan trọng đánh giá sự hấp dẫn của một thành phố với việc kinh doanh", Yvonne Traber - lãnh đạo mảng giải pháp sản phẩm di động toàn cầu của Mercer cho biết, "Các nhà hoạch định chính sách ngày càng nhận ra toàn cầu hóa đang thách thức các thành phố phải thu thập thông tin, cải tiến, cạnh tranh để thu hút nhân lực và vốn. Đó là chìa khóa với tương lai của một thành phố".

Theo Hà Thu (VnExpress.net)