"Nếu sử dụng hộ chiếu ngoại giao, cần có trao đổi chính thức giữa chính phủ Philippines và nhà chức trách nơi bạn đến", người phát ngôn chính phủ Philippines Martin Andanar hôm nay nói trước các phóng viên bên lề một hội nghị thượng đỉnh của các lãnh đạo Đông Nam Á ở Bangkok, Thái Lan. "Tôi không thực sự chắc chắn về hoạt động ông ấy định tham dự, liệu đó là sự kiện của chính quyền hay tư nhân". Andanar cũng không biết liệu cựu ngoại trưởng del Rosario có phải bị cấm vào Hong Kong vì lý do chính trị hay không.
Cựu ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario sáng 21/6 đáp chuyến bay của Cathay Pacific tới Hong Kong. Ông xuất trình hộ chiếu ngoại giao Philippines ở cửa kiểm soát xuất nhập cảnh nhưng lại bị đưa đến khu vực nhập cảnh dành cho người nhập cư và bị giữ ở đây gần ba tiếng rưỡi. Ông sau đó bị từ chối nhập cảnh và bị trục xuất song nhà chức trách Hong Kong không đưa ra bất cứ lý do nào giải thích cho hành động trên. Rosario đã phải lên máy bay trở về Philippines.
Việc cựu ngoại trưởng Philippines bị từ chối nhập cảnh Hong Kong diễn ra chỉ một ngày sau khi ông có bình luận rằng Trung Quốc "không đáng tin" vì đâm chìm một tàu cá Philippines trên Biển Đông.
Trung Quốc đã thừa nhận tàu cá Yuemaobinyu 42212 của họ đâm chìm tàu Gemvir-1 chở 22 thuyền viên Philippines tại bãi Cỏ Rong thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đêm 9/6, nhưng khẳng định đây chỉ là tai nạn. Tuy nhiên, nhiều quan chức và dư luận Philippines cáo buộc tàu Trung Quốc đã cố tình bỏ chạy sau khi đâm chìm tàu cá này. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte gọi sự cố trên là "tai nạn hàng hải" và không có ý định triệu đại sứ Trung Quốc bởi ông cảm thấy Bắc Kinh "đã làm những gì cần làm". Phản ứng mềm mỏng của Duterte vấp phải chỉ trích của nhiều nghị sĩ đối lập.
Vụ trục xuất del Rosario cũng diễn ra vào thời điểm hàng nghìn người Hong Kong vẫn tiếp tục xuống đường biểu tình phản đối dự luật sửa đổi "Người phạm tội bỏ trốn và Hỗ trợ pháp lý lẫn nhau về vấn đề hình sự", cho phép bàn giao nghi phạm ở Hong Kong đến quốc gia và vùng lãnh thổ chưa ký hiệp ước dẫn độ, trong đó có Trung Quốc đại lục.
Cựu ngoại trưởng Rosario được biết đến là người duy trì đường lối ngoại giao cứng rắn với Trung Quốc trong thời gian tại nhiệm. Ông là người đề xuất đưa vụ tranh chấp Biển Đông giữa Manila và Bắc Kinh lên Tòa Trọng tài Quốc tế năm 2013.
Theo Vũ Hoàng (VnExpress.net)