Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 41/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016 quy định về hoạt động thẻ ngân hàng. Thông tư có hiệu lực từ ngày 18-2-2019.
Theo đó, thông tư đã bổ sung quy định tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa, là Bộ Tiêu chuẩn cơ sở của Ngân hàng Nhà nước về các yêu cầu kỹ thuật thẻ thanh toán nội địa công nghệ chip tiếp xúc tại Việt Nam và yêu cầu kỹ thuật thẻ thanh toán nội địa công nghệ chip không tiếp xúc tại Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu lộ trình cụ thể cho việc chuyển đổi toàn bộ thẻ ATM làm bằng thẻ từ sang thẻ chip.
Cụ thể, đối với tổ chức phát hành thẻ, đến 31-12-2019, ít nhất 30% số thẻ có BIN do Ngân hàng Nhà nước cấp đang lưu hành của tổ chức phát hành thẻ phải tuân thủ Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa. Như vậy, có trên 25 triệu thẻ ATM trong khoảng hơn 85 triệu thẻ ATM đang lưu hành sẽ phải hoàn tất quá trình chuyển đổi sang thẻ chip.
Đến cuối năm 2020, ít nhất 60% số thẻ có BIN do Ngân hàng Nhà nước cấp đang lưu hành (tương đương hơn 51 triệu thẻ ATM) phải hoàn tất quá trình chuyển đổi sang thẻ chip. Và hạn chót chuyển đổi toàn bộ số lượng thẻ ATM đang lưu hành trên thị trường từ thẻ từ sang thẻ chip của các ngân hàng thương mại là cuối năm 2021.
Đối với tổ chức thanh toán thẻ, đến ngày 31-12-2019, ít nhất 35% máy ATM, 50% thiết bị chấp nhận thẻ (POS) tại điểm bán đang hoạt động ở Việt Nam của tổ chức thanh toán thẻ phải tuân thủ Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa. Đến cuối năm 2020, toàn bộ hệ thống ATM và máy POS phải đáp ứng quy định về Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa, nhằm bảo đảm hệ thống ATM hoạt động thông suốt, ổn định.
Trong quá trình chuyển đổi, các tổ chức phát hành thẻ, tổ chức thanh toán thẻ phải bảo đảm hoạt động thẻ ATM diễn ra liên tục, ổn định, an toàn, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của chủ thẻ.
Mới đây, Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) cho biết, đang phối hợp với 6 ngân hàng triển khai thí điểm ứng dụng Bộ Tiêu chuẩn thẻ chip nội địa và dự kiến chính thức phát hành ra thị trường những chiếc thẻ chip nội địa đầu tiên trong quý I-2019.
Theo Napas, việc có Bộ Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa sẽ giúp các ngân hàng thương mại có tiêu chuẩn chung thống nhất về sản phẩm thẻ thanh toán, khách hàng giao dịch thuận tiện, thanh toán đồng nhất trên hạ tầng thanh toán chung của toàn bộ ngân hàng.
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước đến cuối tháng 9-2018, cả nước hiện có 18.173 máy ATM, trên 294.500 máy POS; các tổ chức tín dụng đã phát hành hơn 85,2 triệu thẻ ghi nợ nội địa (thẻ ATM) trong tổng số trên 101,2 triệu thẻ ngân hàng các loại.
Hiện các ngân hàng thương mại đang thực hiện lộ trình chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip, vốn có độ bảo mật, an toàn cao hơn và phòng tránh, hạn chế rủi ro liên quan đến tội phạm công nghệ thẻ. Dù vậy, theo một số ngân hàng, có không ít khó khăn vì phải tính toán nâng cấp công nghệ, thay thế máy ATM, POS không đọc được thẻ chip, chi phí phát hành thẻ chip…
Thẻ từ áp dụng công nghệ bảo mật bằng từ tính, lưu trữ thông tin trên dải băng từ ở mặt sau của thẻ. Các thông tin này được mã hóa một lần nên kẻ gian có thể đánh cắp thông tin trên thẻ từ của người dùng. Với thẻ chip được áp dụng công nghệ gắn chip điện tử với bộ vi xử lý như một máy tính thu nhỏ, yếu tố bảo mật cao hơn và an toàn, khó bị đánh cắp thông tin hơn.
Theo Thái Phương (Nld.com.vn)