Vài ngày gần đây, nhiều khách hàng tại TP.HCM lên tiếng phản ánh về tình trạng các cây ATM của các ngân hàng cũng đồng loạt “nghỉ lễ”, ăn Tết Dương lịch mà không chịu hoạt động phục vụ nhu cầu rút tiền của người dân.
Các cây ATM đều “bó tay”
Anh N.M., một người sử dụng dịch vụ của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), bức xúc khi đồng loạt 2 cây ATM của nhà băng này trên đường Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp) đều thông báo bị lỗi hệ thống.
Anh cho hay những ngày cuối năm nên có nhu cầu rút một số tiền mặt khoảng hơn chục triệu đồng để mua sắm đồ dùng gia đình và quà tặng biếu họ hàng nhưng đành “bó tay” vì các cây ATM của ngân hàng này dở chứng.
Tương tự, ngay trong những ngày nghỉ lễ, nhiều người tại quận Bình Thạnh, Phú Nhuận cũng không thể rút được tiền tại một số cây ATM của ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), Ngân hàng Á Châu (ACB), Ngân hàng Đông Á.
Anh P.Hoàng, ngụ tại quận Bình Thạnh, cho biết công ty anh trả lương và thưởng cho nhân viên dịp cuối năm nên anh tranh thủ rút sớm phòng hờ trường hợp tắc nghẽn cận Tết như mọi năm. Tuy nhiên, các cây ATM gần nhà đã không cho phép anh thực hiện điều này.
“Cây ATM thứ nhất tôi đến dán ngay một tờ giấy A4 trên cửa kính thông báo máy lỗi, chờ giao dịch sau trong thời gian gần nhất nhưng không biết cụ thể là khi nào. Đến cây ATM thứ hai, cứ chắc mẩm rút được tiền ai dè mất vài phút để giao dịch nhưng tới bước cuối cùng thì báo lỗi, lặp lại 3 lần như vậy”, anh nói.
Để có tiền tiêu cuối năm, anh Hoàng đã bấm bụng đến một cây ATM của ngân hàng khác để rút tiền và chấp nhận chịu phí gấp đôi. Cuối cùng, anh chỉ rút đủ tiền dùng, còn tiền thưởng cứ để từ từ vì phí rút của ngân hàng khác… đắt quá.
“Các ngân hàng tăng phí rút tiền và đủ thứ phí khác theo từng năm nhưng chất lượng và số lượng các cây ATM để phục vụ khách hàng thì lại không thay đổi. Đến hẹn lại lên, cuối năm mình nghỉ lễ thì nó cũng nghỉ”, anh Hoàng bức xúc.
Không riêng cảnh ùn ùn rút tiền tại các cây ATM, vài ngày trước kỳ nghỉ Tết Dương lịch, phòng giao dịch của các ngân hàng cũng đã chật kín người đến rút tiền, gửi tiền cuối năm.
Chị Đ.N., nhân viên một ngân hàng thương mại tại quận Bình Thạnh, cho hay trong tuần cuối cùng của năm 2018, số giao dịch tại ngân hàng của chị tăng gấp 3 lần so với ngày thường. Mọi người phải mất gần một tiếng đồng hồ để chờ đến lượt giao dịch.
Theo nhân viên này, nhiều khách hàng cũng “ngán” giao dịch tại các cây ATM nên đến trực tiếp ngân hàng để rút tiền mua sắm, chi tiêu cuối năm.
Lo ngại hết tiền dịp Tết Nguyên Đán
Thực tế, tình trạng nhiều trụ ATM của các ngân hàng thông báo lỗi và tạm sửa chữa đã xuất hiện nhiều từ đầu tháng 12. Đáng nói là tại một số khu vực ít hệ thống ATM như các quận, huyện vùng ven những ngày cuối năm cũng trở nên quá tải.
Tại quận Bình Tân, huyện Bình Chánh, nơi tập trung nhiều lao động phổ thông, công nhân nhưng hễ cuối tháng, cuối năm muốn rút tiền mặt là tìm các cây ATM “đỏ con mắt”. Trên đường Tỉnh lộ 10, đường số 7 đi qua hai quận, huyện này, số cây ATM đếm trên đầu ngón tay.
Chị Thúy Hiền, một công nhân làm việc tại khu công nghiệp Tân Tạo cho hay cứ đến cuối tháng là tái diễn cảnh nhà nhà nườm nượp đứng xếp hàng chờ rút tiền, nhiều hôm đông quá, chưa tới lượt thì ATM đã hết nhẵn.
“Ở đây, số cây ATM rất ít, vì vậy làm việc nhưng cũng nơm nớp lo sợ cuối năm chuẩn bị về quê mà không có một đồng dính túi. Khu vực trung tâm, họ có nhiều sự lựa chọn bởi số cây ATM nhiều hơn, các ngân hàng cũng đa dạng hơn”, chị Hiền cho hay.
Đại diện các ngân hàng thương mại giải thích bên cạnh chủ động kiểm tra, bảo dưỡng ATM thì nhu cầu rút tiền thực tế của người dân tăng cao dịp lễ Tết nên khiến hệ thống quá tải.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng có văn bản yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua thẻ phải vừa tăng cường chất lượng dịch vụ vừa đảm bảo tình hình an ninh, an toàn trong hoạt động ATM dịp cuối năm và Tết Nguyên Đán sắp tới.
Ngân hàng Nhà nước đặc biệt nhấn mạnh các tổ chức này phải chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch cụ thể về tiền mặt, tiếp quỹ, bảo trì, bảo dưỡng… nhằm giúp mạng lưới ATM hoạt động trơn tru, hiệu quả, nhất là tại các khu vực tập trung nhiều công nhân như khu chế xuất, khu công nghiệp.
Theo Phúc Minh (Tri Thức Trực Tuyến)