Chiều 1.3, HĐXX vụ án ly hôn và tranh chấp tài sản chung vợ chồng giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo (46 tuổi) và ông Đặng Lê Nguyên Vũ (48 tuổi, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên) đã quay lại phần hỏi, sau đó TAND TP.HCM quyết định tạm ngưng phiên toà đến ngày 27.3 để thu thập thêm chứng cứ liên quan đến khối tài sản hơn 2.000 tỷ đồng, được cho là tài sản chung giữa ông Vũ và bà Thảo.
Tạm dừng phiên tòa vì 2.000 tỷ "bốc hơi"
Trước đó, HĐXX công bố số dư tài khoản của bà Lê Hoàng Diệp Thảo tại 3 ngân hàng theo yêu cầu của ông Đặng Lê Nguyên Vũ.
Theo xác minh, vào thời điểm 2015-2016, số tiền còn tại các ngân hàng đứng tên bà Thảo như sau: 654,2 tỷ VNĐ; 9,3 triệu Euro; 2,3 triệu GBP (bảng Anh); 28,9 triệu USD; 5,1 triệu AUD (đô la Australia) và 10.000 lượng vàng.
Tại các ngày xét xử trước đó, hai bên tranh cãi về yêu cầu phản tố này của ông Đặng Lê Nguyên Vũ vì bà Thảo cho rằng ông Vũ đã rút yêu cầu phản tố liên quan số tiền này nên tòa án không đưa vào giải quyết trong vụ ly hôn.
Về phần ông Đặng Lê Nguyên Vũ, tại phiên toà ngày 1.3, ông trình bày rằng ông giữ nguyên yêu cầu phản tố về số tiền 2.102 tỷ đồng trong khối tài sản chung vợ chồng mà ông yêu cầu phân chia.
Tuy nhiên, đại diện pháp luật của bà Lê Hoàng Diệp Thảo cho biết số tiền đó được xác minh vào năm 2016, sau thời điểm đó thì số tiền hiện không còn.
"Xác định số tiền còn hay không để chia thì phải xác định hiện tại còn hay không chứ không thể chọn thời điểm trong quá khứ. Ví dụ con anh đi học bao nhiêu tiền một năm, chị Thảo chuyển tiền cho bà nội gần 1.000 tỷ. Xem dòng tiền như thế, dòng tiền đi đâu? Tiền từ cổ tức hay tiền riêng? Không thể giải quyết trong vụ án này được", vị đại diện bà Thảo trình bày.
Về số tiền tranh chấp này, khi phát biểu quan điểm giải quyết vụ án chiều 25.2 vừa qua, đại diện VKSND TP.HCM đề nghị HĐXX không xem xét do trước đây ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã rút nhưng tòa án chưa có quyết định đình chỉ. Theo HĐXX thì khoản tiền hơn 2.000 tỷ đồng (đang trong ngân hàng) là thuộc quyền sở hữu chung của hai vợ chồng nhưng do chưa đảm bảo về tố tụng, việc thu thập chứng cứ chưa đầy đủ nên VKS cho rằng chưa có đủ cơ sở vững chắc để giải quyết trong vụ án này nên cần phải chờ đủ căn cứ để phân xử theo Luật Hôn nhân và gia đình.
Liên quan đến số tiền “còn hay hết”, phía ông Đặng Lê Nguyên Vũ cho rằng “Vào năm 2018 có thông tin xác minh từ ba ngân hàng Eximbank, BIDV và Vietcombank các khoản tiền, vàng ngoại tệ xác minh là con số rõ ràng. Do yêu cầu phản tố về khoản tiền này chưa bao giờ đình chỉ, ông Vũ đã nộp tạm ứng án phí đối với việc tranh chấp khoản tiền này nên đề nghị toà tiếp tục giải quyết".
Phía ông Đặng Lê Nguyên Vũ cũng thông tin thêm từ năm 2015 đến nay, bà Lê Hoàng Diệp Thảo không đóng góp vào tài sản chung bất động sản cùng ông Vũ hay có mua cổ phần hoặc cổ phiếu gì đối với tất cả công ty của Tập đoàn Trung Nguyên. Trước khi vợ chồng góp vốn, không có thỏa thuận tài sản chung hay tài sản riêng.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo tại phiên xét xử 1.3
Phía bị đơn cho biết, năm 2018 đã xác minh số tài sản này nằm trong ba ngân hàng, con số bao nhiêu đã xác định rất rõ. Trong các phiên tòa trước hai bên đã hỏi xung quanh vấn đề này. "Nếu nguyên đơn (bà Thảo) có rút ra sử dụng vào việc gì thì chỉ có nguyên đơn mới biết", luật sư của ông Vũ nói.
"Theo tôi, 'của chồng, công vợ' và điều đặc biệt là khi ra tòa phải có chứng cứ. Trong suốt 3 năm 3 tháng vừa qua, họ có đủ thời gian để thu thập chứng cứ cần thiết để làm rõ. Tuy nhiên, cũng đặc biệt lưu ý là tòa chỉ chia tài sản ở thời điểm hiện tại. Ví dụ, trước khi lấy nhau, 2 vợ chồng có 1.000 tỷ nhưng đến ngày ly hôn chỉ còn 1 tỷ thì chia 1 tỷ, chứ không chia 1.000 tỷ được", bà Thảo trả lời.
Cũng chính vì những yếu tố còn chưa rõ ràng đối với khoản tiền này, HĐXX tuyên bố tạm ngưng phiên tòa do "phải xác minh thêm các chứng cứ" liên quan. Phiên tòa xử vụ ly hôn giữa vợ chồng ông chủ Trung Nguyên dự kiến được mở lại từ ngày 27.3.
Hơn 2.000 tỷ đang ở đâu?
Để làm rõ số tiền hàng nghìn tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng mà phía bà Lê Hoàng Diệp Thảo cho rằng đến nay “không còn”, trong phiên xử chiều 25.2, đại diện VKS cũng chất vấn các đại diện ngân hàng, nơi vợ chồng ông Vũ gửi khoản tiền mặt vàng trị giá 2.102 tỷ đồng. Hầu hết đại diện các ngân hàng đều cho rằng chưa cập nhật số liệu, không mang theo hồ sơ. Nếu số tiền này không còn trong tài khoản ngân hàng thì đã đi đâu?
Tại phiên tòa, ông Đặng Lê Nguyên Vũ cho biết bản thân không quan tâm đến khoản tiền trong tài khoản của vợ mình. Ông cho rằng con số 10.000 lượng vàng và hàng triệu USD, AUD,... chỉ là phần nổi. "Qua không quan tâm đến số tiền đó. Thật sự, đó chỉ là tảng nổi, 20 năm làm ăn, tiền nhiều lắm", ông Vũ nói và chia sẻ ông không muốn nhắc đến số tiền đó.
Khi được hỏi điều gì ông thực sự đang muốn giữ ở Trung Nguyên, ông Vũ nói: "Trung Nguyên là của Qua, không ai giành được. Hãy để Trung Nguyên phát triển toàn cầu theo đúng hoạch định”, ông Vũ nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Vũ cũng cho rằng TAND TP.HCM không nên chia 50:50 tất cả cổ phần theo nguyện vọng từ phía vợ mình. "Tòa không nên chia như vậy. Tuy nhiên, cái gì cũng có thể xảy ra ở luật đời. Thôi thì tòa quyết làm sao, Qua nghe vậy”, ông Vũ nói.
Cũng phải nói thêm rằng, trong quá trình xảy ra mâu thuẫn từ những năm 2015, cũng là thời điểm bà Lê Hoàng Diệp Thảo bắt đầu dồn lực để xây dựng cho mình một thương hiệu cà phê với chuỗi King's Coffee, Trung Nguyên International và trở thành đối thủ của chính “đứa con chung” giữa bà và ông Vũ là cà phê Trung Nguyên.
Trong những chia sẻ trên trang cá nhân của mình, bà Lê Hoàng Diệp Thảo tiết lộ về cơ nghiệp nghìn tỷ tại Singapore của Trung Nguyên và ý nghĩa của công ty này (TNS) trong giai đoạn rạn nứt tình cảm đầu tiên giữa bà và chồng, ông Đặng Lê Nguyên Vũ.
Theo đó, bà Lê Hoàng Diệp Thảo là người đứng tên cho vị trí giám đốc của Trung Nguyên Singapore PTE.LTD. Công ty này được cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài vào ngày tháng 7.2008, với hoạt động chính là kinh doanh cà phê, cửa hàng cà phê (bao gồm cả hoạt động xuất nhập khẩu).
Trong các văn bản bà chủ King's Coffee đưa ra, 50.000 SGD số vốn đầu tiên của TNS đều thuộc sở hữu của một mình bà. Sau đó, năm 2011, bà Thảo đã chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần trên cho ông Vũ.
Năm 2014, ông Đặng Lê Nguyên Vũ là cổ đông duy nhất của công ty này. Đến năm 2015, một văn bản khác xuất hiện tại tòa án tối cao Singapore cho biết, toàn bộ hơn 7 triệu cổ phần của TNS lại một lần nữa chuyển sang "túi" của bà Thảo, trước khi được chuyển nhượng cho một cá nhân khác trong văn bản có con dấu của ông Vũ.
Đây cũng chính là thời điểm TNI Corporation của bà Thảo tách khỏi Trung Nguyên Group.Tháng 10.2016, TNI lần đầu cho ra mắt thương hiệu cà phê King's Coffee và cũng kể từ đó CEO Lê Hoàng Diệp Thảo của TNI Corporation tự mở chuỗi cà phê King's Coffee, cạnh tranh trực tiếp với Trung Nguyên.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo khẳng định mình là người duy nhất điều hành kể từ khi công ty này thành lập, và đến nay công ty này vẫn hoạt động tốt.
Vậy có hay không việc bà Thảo dùng tài sản chung của bà và ông Vũ để xây dựng cơ nghiệp nghìn tỷ của riêng mình?
Tất nhiên, ngay sau đó ông Đăng Lê Nguyên Vũ đã tố cáo lên các nhà hành pháp của Singapore, vì cho rằng bà Thảo đã chiếm đoạt con dấu và làm giả chữ ký của ông trong văn bản chuyển nhượng hơn 7 triệu cổ phần trên của TNS sang tay bà Thảo. Thế nhưng, nữ doanh nhân này cho rằng "giá trị tài sản của TNS chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong khối tài sản chung của chúng tôi" nên không cần lừa đảo để chiếm đoạt như văn bản tố cáo từ phía ông Vũ vào năm 2015 lên tòa án tối cao Singapore.
Theo Huyền Anh (Dân Việt)