Chứng khoán giảm mạnh trong vài tuần qua nhưng số lượng tài khoản mở mới vẫn ở mức rất cao cho dù đã hạ nhiệt trong tháng kỷ lục trước đó. Tổng cộng hơn 5,2 triệu tài khoản đã được mở, tương đương 5% dân số.
Số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho thấy, trong tháng 4, các nhà đầu tư trong nước đã mở mới 231.960 tài khoản chứng khoán, trong đó các nhà đầu tư cá nhân mở mới 231.782 tài khoản. Số lượng tài khoản do nhà đầu tư tổ chức mở là 178.
So với tháng kỷ lục trước đó, số tài khoản mở mới giảm đáng kể, nhưng vẫn ở mức rất cao, xếp thứ 2 trong lịch sử 2 thập kỷ hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trong tháng 3, theo VSD, có 271.619 tài khoản mở mới, qua đó giúp Việt Nam cán mốc gần 5 triệu tải khoản chứng khoán, tương đương 5% dân số. Tỷ lệ này đạt được sớm hơn 3 năm với mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra 5% dân số đầu tư vào chứng khoán vào năm 2025. Với mức tăng trưởng nhanh như gần đây, tỷ lệ người dân tham gia vào thị trường chứng khoán vào năm 2030 sẽ đạt 10% một cách dễ dàng.
Tính chung trong 4 tháng đầu năm, các nhà đầu tư trong nước mở mới tổng cộng hơn 908.460 tài khoản chứng khoán, gấp đôi tổng lượng tài khoản mở mới trong cả năm 2020.
Thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận số lượng tài khoản mở mới tăng đột biến từ năm 2020. Đây cũng là năm mà số nhà đầu tư mới (F0) tăng kỷ lục, 1 năm bằng cả 10 năm trước cộng lại. Tổng cả năm khoảng 600 nghìn tài khoản mới.
Thống kê cho thấy, vào năm 2010, các CTCK có khoảng 1,5 triệu tài khoản. Tới đầu 2020, số tài khoản là 2,2 triệu, tức 10 năm tăng 700 nghìn tài khoản. Mà chỉ trong một năm 2020, số lượng tăng thêm là 600 nghìn tài khoản.
Mặc dù số lượng tài khoản mở mới ở mức cao nhưng giao dịch gần đây có dấu hiệu đi xuống. Thanh khoản gần đây chỉ đạt 15-18 nghìn tỷ đồng/phiên, thấp hơn nhiều so với mức hơn 31,5 nghìn tỷ đồng/phiên trong tháng 3.
Số lượng tài khoản mở mới tăng mạnh do thị trường chứng khoán sôi động trong 2 năm trước đó. Với sự hỗ trợ của công nghệ, các nhà đầu tư có thể mở tài khoản online, chuyển tiền online, có thể đặt lệnh qua nền tảng app và web của các công ty chứng khoán.
Hiện tại, dòng tiền vào chứng khoán vẫn còn khá lớn do lãi suất tiền gửi ngân hàng chưa cao, kênh trái phiếu bị siết, nền kinh tế được kỳ vọng hồi phục nhờ mở cửa…
Giới đầu tư đang chờ dòng tiền quay trở lại thị trường sau khi có dấu hiệu thận trọng trong tháng 4 và đầu tháng 5. Thị trường chứng khoán gần đây chịu áp lực bán ra rất lớn và chỉ số VN-Index trong phiên 9/5 giảm gần 17% so với đỉnh cao hồi đầu tháng 4.
Trong tháng 4/2022, giá trị và khối lượng giao dịch bình quân phiên lần lượt đạt 22.117 tỷ đồng và 683,68 triệu cổ phiếu, giảm lần lượt 16,27% về giá trị và 15,26% về khối lượng so với tháng 3.
Chứng khoán được dự báo tích cực trong dài hạn
Theo FiinGroup, các nhà đầu tư cá nhân có tháng bán ròng cổ phiếu mạnh nhất từ đầu năm 2021 (bán ròng 4.300 tỷ đồng) nhưng số dư tiền trên tài khoản tại các công ty chứng khoán lại không tăng tương ứng. Số dư tiền gửi/tài khoản của quý I/2022 thậm chí giảm so với quý IV/2021..
Bên cạnh đó, dư nợ cho vay margin tăng chậm và các công ty chứng khoán đẩy mạnh danh mục tự doanh trái phiếu
Sau những nhịp chỉnh mạnh, hiện tại định giá P/E của VN-Index đã xuống mức 14,7 lần, thấp hơn mức P/E trung bình 5 năm.
Trên Talk show Phố Tài chính, đại diện BSC cho rằng, thay vì đầu tư thời gian ngắn hạn, các nhà đầu tư hãy nghĩ đến năm 2023, 2024 khi Việt Nam có cơ hội để trở thành thị trường mới nổi emerging market.
Sau một đợt giảm kéo dài, định giá P/E đã xuống dưới ngưỡng 15 lần và thị trường đang ở một giai đoạn hơi rẻ.
Các doanh nghiệp niêm yết công bố kết quả kinh doanh quý I với lợi nhuận tăng khá mạnh và là tín hiệu cho thấy các doanh nghiệp hồi phục. Các nhà đầu tư nước ngoài đang đẩy mạnh mua vào khi thị trường giảm điểm, tự tin vào tương lai của nền kinh tế Việt Nam, cũng như là thị trường chứng khoán Việt Nam
Theo M. Hà (VietNamNet)