Việc phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế của Chính phủ đang tạm thời phải hoãn lại do diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ thế giới không thuận lợi.
Kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường quốc tế với tổng mức tối đa là 3 tỷ USD đã được Quốc hội giao trong Nghị quyết số 99 về dự toán ngân sách năm 2016, ban hành tháng 11/ 2015. Mục tiêu của kế hoạch này là nhằm cơ cấu lại nợ trong nước của Chính phủ.
Tuy nhiên, kể từ cuối năm 2015 cho đến nay, diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ thế giới phức tạp. Điển hình là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ, Trung Quốc điều chỉnh giảm giá trị đồng Nhân dân tệ và gần đây nhất là sự kiện Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) đã gây chao đảo trên thị trường.
Vì vậy, đến thời điểm này, dự định phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường quốc tế như trên vẫn chưa thực hiện.
Thị trường tiền tệ quốc tế đang không thuận lợi cho việc phát hành trái phiếu (ảnh minh họa) |
"Chính phủ sẽ tiếp tục theo dõi, nếu điều kiện cho phép thì sẽ thực hiện phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường quốc tế như Nghị quyết 99 của Quốc hội nêu, đảm bảo lợi ích quốc gia", báo cáo này cho hay.
Trước đó, trả lời chất vấn Quốc hội hôm 17/11/2015, Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Đinh Tiến Dũng cũng đã tiên liệu về tình hình thị trường tiền tệ, lãi suất chưa thuận để phát hành trái phiếu Chính phủ ra ngoài nước.
Kế hoạch huy động thêm vốn từ nước ngoài này ngay từ đầu cũng đã vấp phải nhiều ý kiến tranh cãi vì khả năng gặp rủi ro tỷ giá khi tăng nợ nước ngoài của Chính phủ. Trong khi đó, Luật Quản lý nợ công cũng đã quy định không cho phép phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế để đảo nợ trong nước.
Trước đó, Việt Nam cũng đã có 3 đợt phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường quốc tế. Lần thứ nhất, năm 2005, Chính phủ phát hành 2 lô trái phiếu trị giá 750 triệu USD, lần thứ hai năm 2010, phát hành 1 tỷ USD và lần thứ 3 thực hiện tháng 11/2014 cũng với giá trị 1 tỷ USD, kỳ hạn 10 năm. Trong đó, hai đợt phát hành đầu tiên sẽ đáo hạn trong năm nay 2016 và năm 2020.
Đối với thị trường trái phiếu trong nước, Bộ Tài chính cũng cho biết nửa năm qua đã chuyển biến tích cực, đa dạng hoá kỳ hạn trái phiếu, tập trung kỳ hạn từ 5 năm trở lên.
Trong 6 tháng qua, Chính phủ đã phát hành được 187,7 nghìn tỷ đồng, trong đó, 68 nghìn tỷ đồng dành cho trả nợ các khoản trái phiếu đến hạn, phần còn lại sử dụng cho bù đắp bội chi Ngân sách Nhà nước và đầu tư cho các dự án công.
Hiện, tỷ trọng trái phiếu Chính phủ kỳ hạn từ 5 năm trở lên đã chiếm khoảng 86% tổng số phát hành. Kỳ hạn bình quân của trái phiếu Chính phủ hiện là 6,8 năm, với lãi suất bình quân khoảng 6,4%/năm. Các con số này cho thấy xu hướng tích cực của việc huy động vốn qua kênh trái phiếu khi kỳ hạn dài hơn và lãi suất thấp hơn, góp phần giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn.
Năm 2012, kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ bình quân rất ngắn, là 2,9 năm, lãi suất bình quân cao, ở mức 10,03%/năm. Năm 2013, kỳ hạn trung bình tăng lên 3,3 năm với lãi suất trung bình hạ xuống còn 8%/năm. Năm 2014, kỳ hạn trung bình là 5,2 năm và lãi suất trung bình là 6,7%. Và năm 2015, kỳ hạn trái phiếu Chính phủ tăng lên là 6,2/năm với lãi suất giảm nhẹ còn 6,3%/năm.
Theo Phạm Huyền (VietNamNet)