Hoa tươi rẻ chưa từng có
Theo khảo sát các chợ truyền thống tại Hà Nội trưa 25-2, rất nhiều bà nội trợ đã sắm sửa thực phẩm, đồ cúng cho ngày Rằm tháng Giêng. Tại chợ hoa 365 Hà Đông là khu chợ đầu mối hoa lớn tại khu vực Hà Nội, hay những chợ dân sinh bán hoa thì những tiểu thương đều cho biết, giá hoa tươi dịp này giảm mạnh.
Chị Hoàng Phùng (tiểu thương tại chợ Vĩnh Hồ, Đống Đa) chia sẻ: "Sau Tết Nguyên đán các đình chùa đóng cửa, lễ hội ở Hà Nội và các tỉnh lân cận đều tạm dừng khiến hoa tươi rớt giá và ế ẩm chưa từng thấy. Tôi bán ở đây nhiều năm rồi nhưng chưa bao giờ thấy giá hoa rớt giá thảm hại như năm nay, cả ngày chợ người ra vào chỉ lác đác trên đầu ngón tay.
Năm nay thời tiết nắng ấm, hoa được mùa nên giá đã rẻ nay lại còn không bán được hàng vì dịch bệnh bùng phát. Do phải đặt cọc với chủ vườn trước Tết nên tôi vẫn phải ôm hoa mà bán để vớt vát được đồng nào".
Nếu trước tết, ly thơm, ly kép bán rất được giá, từ 300.000 - 350.000 đồng/bó (10 cành), thì nay giảm 1/3 còn 100.000 - 120.000 đồng/bó; ly vàng, ly cam giảm mạnh từ 200.000 đồng, xuống còn 60.000 - 75.000 đồng/bó.
Hoa lan hồ điệp mini các màu giá “siêu rẻ” chỉ 120.000 đồng/bó (50 cành), đồng tiền 120.000 đồng/bó (40 bông), lay ơn 185.000 đồng/bó (50 cành), cúc 20.000 đồng/bó (10 bông), hồng thơm 130.000 đồng/bó (100 bông)…
Một số loại hoa “sang chảnh” trước hầu như chỉ bán cho gia đình có điều kiện như hoa tuy líp, giá cũng rớt từ 300.000/bó (10 bông) xuống còn 130.000/bó, thủy tiên 200.000 đồng/4 bó (40 bông), lan trần mộng 109.000 đồng/10 cành…
Chị Minh Thư (bà nội trợ ở Cầu Giấy) cho biết mọi năm, sau Tết hoa bán chạy lắm, cứ đến đầu giờ chiều mà ra chợ là hoa hết sạch. Còn năm nay, hoa rẻ chưa từng thấy, cả một xe hoa đủ các loại từ ly, cúc, hồng, thược dược, violet, cẩm tú cầu, hướng dương… tha hồ chọn.
Thế nhưng giá hoa rẻ chị em mua vẫn phải để ý bởi trên thị trường, hoa bán rất nhiều giá, nếu nơi nào bán giá 50.000 - 60.000 đồng/10 cành, rất có thể là hoa đã để lạnh thời gian dài.
"Thời tiết nắng nóng, hoa nở nhanh, các nhà vườn bán không hết buộc phải bảo quản lạnh. Vì vậy, khi mua chị em nên chọn những cửa hàng chuyên bán hoa tươi hoặc mua của người quen để tránh những rủi ro. Trong quá trình vận chuyển về tới nhà, hoa bị mất nước, khi mua về nên ngâm ngập hoa vào chậu nước hoặc phun sương lên bông hoa để hoa hút nước, hồi tỉnh. Để hoa tươi lâu, nên cho thêm gói dưỡng hoa và thay nước thường xuyên", chị Thư chia sẻ thêm.
Hoa quả bình ổn
Trái ngược với sự giảm giá của hoa tươi, giá trái cây đợt này có ngang bằng trong Tết. Một số loại trái cây được nhiều người lựa chọn để thắp hương như nho Mỹ 200.000 đồng/kg, nho Ninh Thuận 90.000 đồng/kg, na từ 65.000 - 80.000 đồng/kg, thanh long khoảng 45.000 - 60.000 đồng/kg, táo Mỹ 120.000 đồng/kg, xoài Cát Chu khoảng 50.000 đồng/kg, cam canh khoảng 35.000 - 50.000 đồng/kg…
Chuối xanh là mặt hàng bị "thét giá" những ngày sát Tết thì dịp này giảm giá mạnh. Những nải chuối tiêu đẹp, quả lẻ có giá chỉ từ 30.000 - 40.000 đồng/nải (trong khi trước Tết giá lên đến hơn 100.000 đồng).
Theo chị Nguyễn Thị Thanh, chủ một cửa hàng hoa quả lớn tại Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, hoa quả phục vụ thờ cúng dịp Rằm tháng Giêng rất đa dạng, giá bán giảm hơn nhiều so với Tết, sức tiêu thụ của người dân cũng đang trên đà tăng lên nhiều vào sát ngày Rằm tháng Giêng.
Giá gà bình ổn, một số loại rau giảm nhẹ
Theo khảo sát thị trường, các thực phẩm chế biến món ăn trong mâm cơm cúng hiện vẫn đang ở mức bình ổn giá.
Thịt gà bán nguyên con để cúng Rằm tháng Giêng giảm từ 10.000 - 20.000 đồng/kg so với dịp Tết. Cụ thể, giá gà ta dao động từ 110.000 - 130.000 đồng/kg hơi, gà ta lai có giá khoảng 100.000 đồng/kg móc, gà công nghiệp khoảng 65.000/kg móc.
Trong khi đó, giá thịt lợn không biến động, từ 70.000 - 100.000 đồng/kg tùy loại, giò lụa khoảng 100.000 - 120.000 đồng/kg. Thăn bò, bắp bò là những loại thực phẩm được người tiêu dùng mua nhiều nhưng giá cũng không tăng, từ 300.000 - 320.000 đồng/kg.
Trong ngày Rằm tháng Giêng, đồ cúng thả phóng sinh được bán khá nhiều tại các chợ truyền thống, trong đó nhiều nhất là ốc, lươn, trạch. Giá lươn, trạch khoảng 70.000 - 100.000 đồng/kg, ốc từ 10.000 - 20.000 đồng/kg.
Một người bán hải sản nhiều năm tại khu chợ gần hồ Giảng Võ (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, những ngày sát Rằm tháng Giêng, chị chỉ ưu tiên bán các mặt hàng phục vụ cúng phóng sinh, bởi người dân hạn chế ăn các loại thịt, cá vào dịp này.
Dịp Rằm tháng Giêng mấy năm gần đây, nhiều gia đình có xu hướng ăn chay. Các sản phẩm chay năm nay rất phong phú, với đủ loại nem, giò, chả, thịt, cá, tôm chay…, giá bán dao động từ 25.000 - 300.000 đồng/kg.
Cụ thể, nem chay dao động từ 58.000 - 74.000 đồng/kg; há cảo chay 62.000 - 66.000 đồng/kg; gà chay 70.000 - 100.000 đồng/con; giò nạc, giò bò, giò nấm từ 60.000 - 100.000 đồng/kg… Đây cũng là những mặt hàng được nhiều người lựa chọn, vì hương vị dễ ăn và dễ chế biến.
Trong khi đó, nguồn rau xanh sau Tết rất dồi dào nên giá có giảm nhẹ. Chị Nguyễn Thị Hạnh - người bán hàng rau tại khu chợ gần tòa D2 Giảng Võ cho biết, sau Tết, thị trường rau trở lại nhịp thường ngày, người dân mua vừa đủ dùng mỗi ngày, nguồn rau từ các vườn lại nhiều nên giá rẻ hơn dịp Tết.
Cụ thể, su hào giảm 1.000 đồng, còn 4.000 đồng/củ; súp lơ 8.000 - 10.000 đồng/cây; cà chua khoảng 12.000 đồng/kg; bắp cải khoảng 13.000 đồng/kg; các loại rau ăn lá cũng giảm 1.000 - 2.000 đồng/bó; khoai tây, củ cải giảm khoảng 5.000 đồng/kg.
Bảng giá các loại thực phẩm cúng Rằm tháng Giêng cho bạn tham khảo:
Theo Hồng Nhung (Nhịp Sống Việt)