Hiệp hội bất động sản “cầu cứu” Thủ tướng vụ 11 dự án đất vàng bị kiến nghị thanh tra

12/05/2017 10:02:00

Liên quan đến vụ việc Bộ Tài Chính trình 60 dự án “có vấn đề” chuyển đổi trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp lên Thủ tướng Chính phủ, Hiệp Hội bất động sản TP. HCM vừa chính thức có văn bản “cầu cứu” Thủ tướng...

Liên quan đến vụ việc Bộ Tài Chính trình 60 dự án “có vấn đề” chuyển đổi trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp lên Thủ tướng Chính phủ, Hiệp Hội bất động sản TP. HCM vừa chính thức có văn bản “cầu cứu” Thủ tướng, nhằm gỡ khó cho 11 dự án trên địa bàn TP. HCM đang có mặt trong danh sách này.

Hiệp hội bất động sản “cầu cứu” Thủ tướng vụ 11 dự án đất vàng bị kiến nghị thanh tra

Theo văn bản số 47/CV- HoREA , gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 11/5/2017, Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA) thừa nhận thực tế 10 năm qua, thành phố đã tiến hành chuyển đổi mục đích sử dụng nhiều khu đất nhà xưởng thành đất ở với các dự án phát triển bất động sản.

 Tuy nhiên, việc chuyển đổi này theo HoREA, chưa chặt chẽ và dễ gây thất thoát tài sản Nhà nước.

Theo HoREA, trong số các dự án Bộ Tài chính trình Chính phủ thanh tra liên quan đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nhiều dự án đã được doanh nghiệp hoàn thành, đã có cư dân sinh sống ổn định.

Ngoài ra, một số dự án vẫn  đang thi công, hoặc đang trong giai đoạn chuẩn bị triển khai. Vì thế, HoREA kiến nghị có giải pháp phù hợp trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xác định giá đất mà không làm thất thù ngân sách Nhà nước lại đảm bảo lợi ích nhà đầu tư, nhất là quyền lợi của người mua nhà.

Để đảm bảo những yếu tố trên, HoREA đưa ra hàng loạt kiến nghị, như:

Thứ nhất: Chính phủ cần sớm ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung hoặc Quyết định thay thế cho Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19 tháng 01 năm 2007, Quyết định số 140/2008/QĐ-TTg ngày 21 tháng 10 năm 2008, Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg ngày 22 tháng 12 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ. Việc sửa đổi, bổ sung các Quyết định này nhằm tạo hành lang pháp lý minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh trong việc xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị.

Thứ 2 là Thủ tướng Chính phủ cần chỉ đạo sửa đổi Luật Đất đai về chế định đấu giá quyền sử dụng đất; sửa đổi Luật Đấu thầu về chế định đấu thầu dự án có sử dụng đất để đảm bảo tính công khai, minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh, nhằm khắc phục hiện tượng đấu giá, đấu thầu có dấu hiệu có chân gỗ, quân xanh, quân đỏ.

Thứ 3 là kiến nghị Thủ tướng Chính phủ vẫn cho phép các chủ đầu tư có mặt trong danh sách bị kiến nghị thanh tra được tiếp tục triển khai thi công dự án, với cam kết thực hiện nghĩa vụ tài chính phát sinh (nếu có) đối với dự án sau khi đã có kết luận thanh tra, để hoàn thành dự án đưa vào sử dụng, tránh lãng phí thời gian và của cải xã hội, và đảm bảo quyền lợi của người mua nhà trong dự án.

Cuối cùng, với người mua nhà đã giao kết và thực hiện hợp đồng mua nhà tại các dự án này, theo HoREA không có lỗi, nên không phải chịu trách nhiệm đối với các nghĩa vụ tài chính phát sinh của chủ đầu tư dự án sau quá trình thanh tra (nếu có).

Dự án Cao ốc thương mại dịch vụ và căn hộ, tại địa chỉ số 504 Nguyễn Tất Thành, Phường 18, quận 4, có tên thương mại là Riva Park cũng sẽ bị thanh tra.  

Được biết, tại văn bản Bộ Tài chính trình Chính phủ đề xuất thanh tra với 60 dự án, có 11 dự án thuộc địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Danh sách cụ thể 11 dự án bị kiến nghị thanh tra gồm:

1. Công ty cổ phần Công nghệ cao su Miền nam với Dự án Cao ốc thương mại dịch vụ và căn hộ, tại địa chỉ số 504 Nguyễn Tất Thành, Phường 18, quận 4. Dự án với tổng diện tích 4.785 m2, được Công ty bất động sản Vietcomreal mua lại với giá chuyển nhượng là hơn 103,7 tỷ đồng.

2. Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn 5 với Dự án Chung cư thương mại tại địa chỉ số 38 Kim Biên và 88 Gò Công phường 13 quận 5. Dự án có diện tích 1.827 m2, xây dựng thành dự án Chung cư thương mại.

3: Công ty cổ phần địa ốc 11 với Dự án Cao ốc RES 11, tại 205 Lạc Long Quân, quận 11, dự án được chuyển nhượng với số tiền hơn 40,6 tỷ đồng.

4: Công ty cổ phần thương mại Phú Nhuận, với dự án tại 128 Hồng Hà, quận Phú Nhuận với số vốn chuyển nhượng là hơn 122,6 tỷ đồng với diện tích 4.303m2

5: Tổng công ty Bến Thành – TNHH một thành viên với Đự án Cao ốc thương mại dịch vụ kết hợp căn hộ chung cư tại 104 Nguyễn Văn Cừ, quận 1 với diện tích 2.760m2. Dự án này không đưa ra giá chuyển nhượng.

6: Công ty cổ phần Đầu tư TCO Việt Nam với Dự án tại 35/12 Bế Văn Cấm, phường Tân Kiểng, quận 7. Dự án có diện tích 33.592m2, giá chuyển nhượng là 380,2 tỷ đồng. Dự án này cũng không đưa ra giá chuyển nhượng.

7: Công ty cổ phần phát triển đô thị Đông Dương với Dự án Khu căn hộ - trung tâm thương mại Đông Dương 334 Tô Hiến Thành, P 14, quận 10. Dự án với diện tích 33.592m2 với giá chuyển nhượng là hơn 380,2 tỷ đồng.

8: Công ty cổ phần Nova Festival với Dự án Khu thương mại dịch vụ, văn phòng officetel tại địa chỉ số 8 Hoàng Minh Giám, quận Phú Nhuận. Dự án với diện tích 4.887m2, chuyển đổi từ đất sản xuất kinh doanh, với giá chuyển nhượng là hơn 164,3 tỷ đồng.

9: Công ty TNHH NovaSagel tại 119 Phổ Quang, phường 9, quận Phú Nhuận với Dự án có diện tích 15.129m2. Dự án này hiện cũng chưa rõ số tiền chuyển nhượng.

10: Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79 với Dự án Khu phước hợp thương mại dịch vụ, khách sạn văn phòng officetel, căn hộ  tại 15 Thi Sách,  phường Bến Nghé, quận 1, với diện tích 2.312 m2. Dự án cũng không nêu rõ giá chuyển nhượng.

11: Tổng công ty xây dựng số 1 với Dự án Nhà ở xã hội khu căn hộ CC1, phường 6,  quận Gò Vấp. Dự án với diện tích 2.932 m2, cũng không được công bố giá chuyển nhượng.

Theo Trọng Tuyến (Bizlive.vn)