Kỷ lục trong giai đoạn lịch sử
Kết quả kinh doanh 2021 từ CTCP Tập đoàn Masan (MSN) của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang cho thấy, hầu hết các mảng kinh doanh tăng trưởng mạnh, đưa doanh thu và lợi nhuận lên cao nhất trong lịch sử doanh nghiệp. Masan ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất cả năm đạt 88.629 tỷ đồng (gần 4 tỷ USD), tăng 14,8% so với năm 2020.
Doanh thu tỷ USD là mốc mà cộng đồng DN Việt từng mơ ước, nhưng hiện giờ, rất nhiều doanh nhân đã đạt được và vượt xa như: DN của nhóm các tỷ phú USD như Phạm Nhật Vượng, Trần Đình Long, Hồ Hùng Anh, Nguyễn Đăng Quang, Bùi Thành Nhơn...
Bất chấp dịch bệnh và sức ép tăng giá đầu vào, lợi nhuận sau thuế của Masan tăng gần 7 lần lên mức 8,6 nghìn tỷ đồng. Nếu tính lợi nhuận trước thuế, trước lãi vay, khấu hao và khấu trừ dần (EBITDA), Masan đạt con số khổng lồ gần 16,3 nghìn tỷ đồng, tăng gần 1,6 lần so với 2020.
Ngân hàng Quốc Tế (VIB) công bố kết quả kinh doanh năm 2021 với lợi nhuận vượt ngưỡng 8.000 tỷ đồng, tăng trưởng 38% so với năm trước và có tỷ lệ ROE rất cao: 31%. Trong quý IV, VIB ghi nhận lợi nhuận cao nhất trong lịch sử hoạt động của ngân hàng này với 2.700 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) thậm chí ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng gấp đôi trong năm 2021, lên gần 5.200 tỷ đồng, vượt 58% so với mục tiêu đại hội đồng cổ đông thông qua đầu năm.
Nhiều doanh nghiệp ngành phân bón cũng lãi kỷ lục trong năm 2021 như Phân bón và Hóa chất Dầu khí - Đạm Phú Mỹ (DPM), Đạm Cà Mau (DCM), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (LAS).
Đạm Phú Mỹ ghi nhận doanh thu tăng 63% lên 12,8 nghìn tỷ, lợi nhuận trước thuế tăng gấp 4,3 lần lên 3.600 tỷ đồng. Đạm Cà Mau đạt doanh thu trên 10 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 1.800 tỷ, tăng 3 lần so với 2020 và cao nhất 10 năm hoạt động.
Theo VNR500, những thương hiệu lớn như Samsung Việt Nam, Viettel, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; các ngân hàng như Techcombank, Vietcombank, VietinBank,;Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Vingroup, Vinamilk, Tập đoàn Hòa Phát... tiếp tục duy trì trên bảng xếp hạng dù chịu không ít tác động của dịch Covid-19.
Sở dĩ các doanh nghiệp đạt được kết quả kinh doanh tốt nhờ tập trung và mở rộng mảng kinh doanh cốt lõi, tái cấu trúc hợp lý để vượt qua khó khăn. Sự hồi phục của nền kinh tế trong những tháng cuối năm giúp các ngân hàng bứt phá, trong khi nhóm phân bón hưởng lợi từ giá bán sản phẩm cao.
Cũng theo VNR500, trong tốp 10 doanh nghiệp tư nhân lợi nhuận tốt nhất Việt Nam, các ngân hàng chiếm áp đảo về số lượng với 6 đơn vị, các doanh nghiệp còn lại trong bảng xếp hạng thuộc lĩnh vực xây dựng, sữa, tập đoàn đa ngành và bán lẻ.
Trong suốt 5 năm qua, các ngành bất động sản - xây dựng, ngành tài chính và ngành thực phẩm - đồ uống luôn giữ vững vị trí tốp đầu. Đây cũng được xem là những ngành có tiềm năng tăng trưởng, góp phần tích cực cho đà phục hồi của nền kinh tế Việt Nam sắp tới.
Với dấu ấn kỷ lục trong thời khắc thử thách lịch sử của dịch bệnh, DN Việt đã cho thấy sức chống chịu và khả năng hồi phục tốt. Nhơ đó, nhiều DN được dự báo sẽ bứt phá khi kinh tế tăng trưởng mạnh trở lại, dự báo 5,5% trong năm 2022 (theo WB) và trở lại mức tăng trưởng cao từ 2023.
Môi trường tốt, hướng tới cột mốc mới
Khi gặp khó khăn là lúc doanh nghiệp tập trung vào tái cấu trúc và gần như lập tức các DN đã nhận được sự thay đổi tích cực. Đối mặt với khó khăn do dịch bệnh đè lên mảng bản lẻ nhưng Thế giới Di động (MWG) vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh tốt trong năm qua. Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch MWG, cho hay, DN của ông vẫn nuôi giấc mơ 10 tỷ USD và nếu không có Covid-19 thì 1-2 năm nữa mục tiêu sẽ đạt được.
Thực tế cho thấy, nếu như cách đây khoảng thập kỷ, con số 1 tỷ USD đã là rất ấn tượng và 10 tỷ USD là tham vọng khá xa vời. Tuy nhiên, với những bứt phá gần đây, mục tiêu này không còn xa vời với nhiều doanh nghiệp Việt.
Dịch bệnh khiến sức mua mảng tiêu dùng nhanh bị chậm lại, nhưng mục tiêu 10 tỷ USD của MWG, theo ông Tài, vẫn thực hiện được trước năm 2025. Riêng năm 2022, MWG đặt kế hoạch doanh thu dự đạt 140 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 6.350 tỷ đồng.
Doanh nghiệp của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tiếp tục bứt phá. Vingroup của ông Vượng tiếp tục duy trì top vốn hóa với khoảng 370 nghìn tỷ đồng. Tập đoàn này ghi dấu ấn trên thị trường quốc tế, đặc biệt với việc VinFast chính thức ra mắt hai mẫu ô tô chạy điện VF e35, VF e36 tại triển lãm Los Angeles Auto Show.
Gần dây, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đầu tư vào mảng pin và ắc quy trong bối cảnh hãng xe VinFast phát triển với tốc độ rất nhanh với nhiều chi nhánh được mở tại các nước lớn như Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Hà Lan, với mục tiêu trở thành hãng ôtô điện thông minh toàn cầu.
Hiện tại, ông Phạm Nhật Vượng là doanh nhân giàu nhất trên TTCK Việt Nam với túi tiền khoảng 9 tỷ USD theo giá trị cổ phiếu VIC. VinFast có kế hoạch huy động vốn trên thị trường tài chính thế giới với định giá của các hãng dữ liệu tài chính quốc tế là khoảng 50 tỷ USD. Nếu thành công, tài sản của tỷ phú Vượng có thể lên tới 30 tỷ USD, đứng trong top 50 người giàu nhất thế giới.
Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long ghi nhận vốn có lúc lên tới 11 tỷ USD trong năm 2021, tăng gần gấp đôi so với năm trước đó và lọt top 15 công ty thép giá trị nhất thế giới. Đây là năm đầu tiên sản lượng xuất khẩu của Hoà Phát vượt 1 triệu tấn, gấp đôi cùng kỳ năm trước.
Tập đoàn này có thể vượt mốc 35.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Mục tiêu đạt 100.000 tỷ đồng doanh thu của “vua thép” cách đây 3 năm đã trở thành hiện thực. Với sự mở rộng nhà máy Dung Quất, HPG còn tiếp tục phát triển. Ngoài ra, Hòa Phát còn sẵn sàng lấn sân sang lĩnh vực bất động sản, khu công nghiệp và đã khởi công dự án nhà máy sản xuất container Hòa Phát tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
Một năm khó khăn như 2021, nhưng hầu hết các tập đoàn lớn đều phát triển bứt phá, doanh thu và lợi nhuận vượt trội, gấp 1,5-2 lần so với năm trước đó. Điều này cho thấy, các DN tư nhân hàng đầu Việt Nam có cơ sở vững vàng và sẽ tiếp tục bứt phá trong thời gian tới.
Theo M. Hà (VietNamNet)